Các loại kim loại nặng như asen, chì, kẽm, thiếc,… nếu tồn dư trong thực phẩm với hàm lượng quá cao sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Biểu hiện trước hết là ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính. 5 bộ phận dưới đây theo các chuyên gia đánh giá là có chứa rất nhiều kim loại nặng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hạn chế sử dụng.
Đầu tôm
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, tôm là thực phẩm bổ dưỡng nhưng có một bộ phận chúng ta không nên ăn nhiều đó là đầu tôm.
Đầu tôm vốn là nơi tích trữ chất thải của tôm, đặc biệt là có chứa các kim loại nặng như asen, rất nguy hiểm cho phụ nữ và thai nhi.
PGS.TS Thịnh khuyên mọi người khi ăn tôm cần chú ý quan sát. Nếu thấy tôm chuyển màu đen thì rất có khả năng bị nhiễm kim loại cùng các chất độc hại. Sau khi nấu tôm chín bạn nên loại bỏ phần đầu tôm.
Nội tạng gà
Thịt gà rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là protein và vitamin B6. Tuy nhiên, không phải bộ phận nào của con gà cũng bổ dưỡng. PGS.TS Thịnh cho biết nội tạng gà không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, gan và mề gà là nơi có chứa hàm lượng cholesterol cao. Bộ phận này dễ nhiễm ký sinh trùng, kim loại nặng. Trẻ nhỏ, người có cơ địa nhạy cảm hay phụ nữ đang cho con bú thì không nên ăn những bộ phận này.
Phổi lợn
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Bình (Giảng viên trường Cao đẳng Y Hà Nội) thì phổi lợn là một trong những cơ quan bẩn nhất của con lợn. Nguyên nhân là do môi trường sống của lợn phải thường xuyên tiếp xúc với đất, bụi bà rác thải nên dễ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng.
Phổi lợn lại là cơ quan hô hấp nên rất dễ chứa lượng lớn vi khuẩn, bụi bẩn. Nếu ăn vào sẽ không tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, phổi lợn cũng có thể chứa một lượng lớn kim loại nặng, nếu ăn phải sẽ vô tình khiến số kim loại nặng này đi vào người, gây hại lớn cho cơ thể.
Đầu cá
Món đầu cá nấu canh chua được rất nhiều người yêu thích. Nhưng đầu cá lại là bộ phận dễ tích tụ nhiều kim loại nặng nhất. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Nam Kinh, Trung Quốc xếp hạng về hàm lượng thủy ngân xếp trên cơ thể cá thì bộ phận nhiều kim loại nhất là đầu cá, sau đó đến da cá, thịt cá, trứng cá,…
Ăn nhiều đầu cá chứa thủy ngân có thể gây ngộ độc, nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ có thai. Trẻ nhỏ nếu tích lũy nhiều kim loại nặng có nguy cơ mắc bệnh tim, giảm IQ, nguy cơ bệnh suy gan và thận,…
Ruột tôm
Ruột tôm là đường chỉ đen đậm nằm ngay sát trên lưng tôm thường thấy rõ hơn ở những con tôm lớn. Thức ăn của tôm có thể là xác động vật, ấu trùng, tảo, côn trùng,… Ruột là nơi chứa các chất bã thải thức ăn của hệ tiêu hóa, chứa nhiều chất bẩn, trứng ký sinh trùng và kim loại nặng.
Mặc dù sau khi được nấu chín ruột tôm không gây hại nhưng chúng có vị đắng và làm giảm vị ngon của thịt tôm. Vì vậy mà khi ăn tôm bạn nên loại bỏ bộ phận này.
Theo Trần Thu Thủy/ Khoevadep