5 dấu hiệu thiếu canxi
Thường xuyên đau cơ bắp
Người thiếu canxi thường gặp hiện tượng đau cơ bắp, chuột rút và co thắt hoặc cảm thấy đau ở vùng đùi, cánh tay, đặc biệt là nách khi di chuyển, đi bộ. Không những thế, thiếu canxi còn gây ra tình trạng tê, ngứa ran ở tay, cánh tay, bàn chân, chân và xung quanh miệng.
Mệt mỏi cực độ
Người bị thiếu canxi có thể gặp tình trạng mất ngủ hoặc lúc nào cũng buồn ngủ rũ rượi, cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, khó tập trung. Ngoài ra, thiếu hụt canxi còn dẫn tới hiện tượng chóng mặt, choáng váng, hay quên và hay nhầm lẫn.
Da và móng tay yếu
Canxi là thành phần khoáng chất quan trọng trong cơ thể. Khi thiếu canxi, da và móng tay sẽ bị ảnh hưởng rất rõ ràng. Da trở nên khô ráp, móng tay khô, giòn, dễ gãy và tóc rụng nhiều hơn đều là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có thể đang gặp tình trạng thiếu canxi.
Loãng xương
Việc ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng khiến cơ thể bị thiếu hụt canxi. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới loãng xương. Loãng xương xảy ra khi mật độ khoáng của xương giảm, làm xương giòn và dễ gãy hơn.
Răng bị ảnh hưởng
Khi cơ thể thiếu canxi, không chỉ có xương bị ảnh hưởng mà răng cũng gặp vấn đề. Thiếu hụt canxi làm chân răng yếu, nướu bị kích thích, răng giòn và dễ sâu răng. Ngoài ra, thiếu canxi ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới việc trì hoãn việc mọc răng.
Khi nào nên gặp bác sĩ vì thiếu canxi?
Nếu bạn thường xuyên gặp triệu chứng như đau nhức cơ, ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân hoặc trạng thái tinh thần thay đổi bất thường, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể có thể đang bị thiếu hụt canxi.
Ngoài ra, trong gia đình từng có tiền sử loãng xương và gần đây bạn thấy chiều cao của mình có xu hướng giảm, đây rất có thể là tín hiệu báo động của việc mất xương do cơ thể không được hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết trong thời gian dài.
Cách đơn giản và an toàn nhất để phòng ngừa, điều trị thiếu hụt canxi trong cơ thể là bổ sung khoáng chất này thông qua chế độ ăn uống. Bạn có thể thêm những thực phẩm giàu canxi vào bữa ăn của mình như sữa, sữa chua, phô mai, đậu nành, ngũ cốc, các loại hạt...
Bên cạnh đó, nếu muốn bổ sung canxi bằng thuốc và các loại thực phẩm chức năng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi việc hấp thụ quá nhiều canxi có thể dẫn tới tình trạng tăng canxi huyết từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sỏi thận và các vấn đề sức khỏe khác.
Theo Khoevadep