5 người nhiễm khuẩn sau lũ: Bệnh xoắn khuẩn vàng da nguy hiểm sao?

Google News

Xoắn khuẩn vàng da là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae gây ra. Bệnh hay gặp vào mùa mưa do xoắn khuẩn phát tán theo dòng nước.

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 5 người (ở Thái Nguyên) trong tình trạng sốt, mệt mỏi. Các bệnh nhân bao gồm 2 vợ, chồng con và hai cháu. Trong đó, vợ, con và 2 cháu điều trị tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, riêng ông N.V.C (48 tuổi) phải nhập khoa Cấp cứu do diễn biến nặng: men gan tăng cao, suy thận cấp và giảm tiểu cầu.
Theo lời người vợ, gia đình bà sinh sống trong căn nhà cấp 4 tại vùng ngập nặng của Đồng Bẩm, Thái Nguyên. Trận lũ khiến nước ngập sâu tới 1,8 mét, gia đình phải sinh hoạt trong điều kiện nước lũ ô nhiễm. Đồ dùng trong nhà đều ngập trong nước, chuồng trại chăn nuôi gia đình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Dựa trên yếu tố dịch tễ, đặc biệt là việc gia đình ông C. sống trong môi trường ngập lụt lâu ngày và tiếp xúc trực tiếp với nước lũ, các bác sĩ đã nghi ngờ ông và 4 thành viên trong gia đình cùng mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospira).
5 nguoi nhiem khuan sau lu: Benh xoan khuan vang da nguy hiem sao?
 Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae gây ra - Ảnh minh họa
Bệnh xoắn khuẩn vàng da là gì?
ThS.BS Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae gây ra. Leptospira thâm nhập vào cơ thể người qua những vết xước ở da, niêm mạc khi tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn (đồng ruộng, ao, hồ, vũng nước đọng.
Thậm chí nếu tiếp xúc lâu với môi trường nhiễm khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua da, niêm mạc lành. Bệnh hay gặp vào mùa mưa do xoắn khuẩn lan theo dòng nước. Trận lũ lụt do bão Yagi vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của vi khuẩn Leptospira, đặc biệt tại các vùng chăn nuôi lợn, nơi hệ thống vệ sinh không đảm bảo.”
“Ở Việt Nam, bệnh Leptospira vẫn xuất hiện tản phát, đặc biệt là trong các vùng lụt lội. Dù đã giảm đáng kể so với những thập kỷ trước đây nhưng bệnh vẫn là mối đe dọa sức khỏe đối với những người tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước lũ, nhất là ở các khu vực chăn nuôi gia súc.
Bệnh Leptospira có thể điều trị bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm, nhưng với tình trạng của ông C., việc theo dõi diễn biến bệnh là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Bằng nhấn mạnh.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
Cử nhân Nguyễn Thị Huế, Trung tâm xét nghiệm - Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, triệu chứng của bệnh xoắn khuẩn vàng da bao gồm sốt cao, đau đầu dữ dội, ớn lạnh, đau cơ và nôn mửa, có thể bao gồm cả bệnh vàng da (vàng da và mắt), đỏ mắt, đau bụng hoặc phát ban.
Nếu bệnh không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tổn thương thận, viêm màng não (viêm màng xung quanh não và tủy sống), suy gan, suy hô hấp và có thể gây tử vong. Nhiều trong số các triệu chứng trên có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Về đường lây của bệnh, người có thể bị lây trực tiếp qua da khi bị xây xát, qua niêm mạc mắt, mũi, miệng, bộ phận sinh dục khi tiếp xúc với chó mèo nhiễm Leptospira. Người cũng có thể bị lây gián tiếp qua môi trường (đất cát, nước, rau,...) bị nhiễm xoắn khuẩn do nước tiểu súc vật thải ra.
Vì vậy người làm việc trong môi trường trang trại chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phòng khám thú y hay làm việc tại nơi ao hồ sông suối,... có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Để phòng tránh bệnh xoắn khuẩn vàng da, theo bà Huế nên tuyên truyền cho cộng đồng thông tin cần thiết về bệnh xoắn khuẩn vàng da (do Leptospira), đặc biệt là vùng đã từng có ổ bệnh, người có yếu tố nguy cơ nghề nghiệp (thường xuyên tiếp xúc với động vật, làm việc nơi ao hồ,...).
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, thường xuyên khử trùng, tẩy uế,... đặc biệt là xử lý nước thải. Người làm việc trong môi trường trang trại, ao hồ,... thường xuyên tiếp xúc với động vật và yếu tố có khả năng lây nhiễm phải được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ: găng tay, khẩu trang, giày, quần áo bảo hộ. Cơ sở chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phòng khám thú y,... tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường và cần phải được kiểm tra định kỳ.
Tiêm vacxin phòng Leptospira cho người làm nghề có nguy cơ lây bệnh cao, sống tại nơi đã từng/ đang lưu hành bệnh hoặc thường xuyên du hành đến những nơi có bệnh.

Bảo Châu