Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Theo TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, mỗi đội tuyển đều có bác sĩ thể thao đi cùng để chăm sóc. Bác sĩ này sẽ kiểm tra thể lực của vận động viên cũng như nguy cơ chấn thương, những cầu thủ mắc bệnh mạn tính khi vận động quá sức có xảy ra nguy hiểm không, đặc biệt là bệnh về tim mạch, hô hấp, huyết áp.
Sau khi kiểm tra bằng các biện pháp chuyên sâu của y học thể thao, nếu phát hiện cầu thủ có nguy cơ về tim mạch, phổi, chấn thương… bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về cường độ, bài tập vận động cũng như khuyến cáo các huấn luyện viên có bài tập phù hợp với từng cầu thủ.
Dinh dưỡng đầy đủ: Để đảm bảo thể lực và vi chất cho hoạt động thần kinh, các cầu thủ phải ăn đủ 5 thành phần gồm các chất sinh năng lượng (lipit, protein, carbonhydrat, gluxit), nước, các yếu tố vi lượng, các yếu tố đại lượng, muối khoáng.
Trên cơ sở đó, bác sĩ thể thao cần tư vấn với đầu bếp, người trực tiếp lo từng bữa ăn cho cầu thủ, cân bằng chế độ ăn uống sao cho đủ các thành phần trên. Lưu ý, các cầu thủ tuyệt đối không sử dụng rượu bia trong thời gian này.
Lựa chọn trang phục: Quần áo thi đấu của các cầu thủ cũng phải phù hợp với nhiệt độ môi trường.
Thời tiết: Để đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ, HLV nên xem xét thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sức gió… để luyện tập.
Tinh thần: Theo BS Kha, tâm lý trong thi đấu là yếu tố rất quan trọng. Hành động cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng góp phần làm cho các cầu thủ sung mãn hơn.Tuy nhiên, không nên hưng phấn quá mức. Khi ở trạng thái này, cầu thủ thường dễ dẫn đến động tác thừa, có thể phạm lỗi. Do đó, các cầu thủ cần phải tập luyện để biết thời điểm nào nên hưng phấn, thời điểm nào cần bình tĩnh, giữ cái đầu lạnh.
Theo Ngân Hà/ Zing