Sinh ra trong một gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ, quen sống với nhung lụa, từ nhỏ con tôi đã được gọi bằng cái tên thân mật “tiểu bảo bối”. Ý thức được sự chiều chuộng của người lớn trong gia đình, đặc biệt của ba má chồng tôi, nên 3 tuổi, con trai tôi đã biết giãy nẩy ăn vạ, lăn lộn khóc lóc, tỏ ra vô cùng bướng bỉnh nếu những đòi hỏi của cháu không được đáp ứng kịp thời.
Ba chồng tôi là Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn có tiếng ở miền Nam, chồng kế thừa sản nghiệp gia đình, thành thử bước vào cuộc hôn nhân này, từ một cô gái gia đình bình dân, tôi được ví như “chuột sa chĩnh gạo”. Lại sinh được cậu con quý tử vàng ròng, tôi càng được gia đình chồng yêu thương, quý trọng. Và dĩ nhiên, con trai tôi trở thành “hoàng tử bé” trong cung điện của gia đình.
|
Con sẵn sàng nhịn đói nếu đồ ăn không phải đồ ngoại nhập (ảnh minh họa). |
Cháu tuân thủ một chế độ ăn đặc biệt, được các chuyên gia ẩm thực của nước ngoài đích thân lập bảng biểu kỹ càng. Cháu bị “cách ly” với thực phẩm đường phố, nói không với thức ăn nhanh, thay vào đó là vi cá mập, súp tôm hùm Alaska, đến phô mai, trứng sữa, thịt bò Kobe, nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Toàn bộ trang phục của cháu đều được ba má chồng và chồng tôi đầu tư tỉ mỉ. Đó là những thứ hàng hiệu đắt đỏ, thậm chí đáng giá gia tài của một gia đình trung lưu. Đôi giày thể thao cháu đi hàng ngày có giá hàng triệu đồng, chiếc áo sơ mi thời thượng lên tới hàng chục triệu. 6 tuổi, nhưng cháu đã kể tên vanh vách những nhãn hiệu thời trang danh tiếng, nào thì GC, D&G, Duvetica, Burberry, LV…
Có lần, dẫn cháu về quê ngoại. Bà ngoại hớn hở mua tặng cháu bộ quần áo ở siêu thị, thằng bé lầm lỳ ném thẳng xuống đất và dùng chân dẫm đạp túi bụi. Nó gân cổ bỉ bai: “Ông nội bảo mặc quần áo si-đa sẽ mang bệnh. Con không mặc quần áo này. Thà con chết còn hơn!”. Má tôi chết trân tại chỗ, nước mắt ngân ngấn nhặt vội bộ quần áo, lần giở phẳng phiu chẹp miệng hẹn mang tặng cô bé hàng xóm.
Tới lúc ăn cơm, cháu lắc đầu nguầy nguậy trước mâm thức ăn tươm tất má tôi cầu kỳ chuẩn bị. Cháu đòi tôm hùm, phô mai xịn. Cháu chê thịt bò quê không ngon, cua đồng không lắm thịt, chê đồ ăn thôn dã nhạt nhẽo không nuốt được…
|
Con khóc ngất nếu quần áo không phải hàng hiệu (ảnh minh họa) |
Thú thật, tôi vô cùng nóng mặt trước thái độ đòi hỏi của cháu. Nhưng, chồng tôi lại cười hớn hở bảo với má tôi: “Đấy má xem, thằng bé “miệng rồng” lắm, còn nhỏ đã biết hưởng thụ cuộc sống. Thật đúng là “hậu sinh khả úy”. Tôi thật chẳng còn lỗ nẻ nào chui xuống trong sự hỉ hả của ông chồng tài phiệt. Thực tế, bữa cơm đó, con tôi không hề động đũa. Nó bỏ ăn.
Trong khi đám trẻ con thôn quê vui đùa, lăn lộn bên rơm rạ ngày mùa, thì con tôi ngồi thu lu trong phòng điều hòa, tuyệt nhiên không dám bước chân ra khỏi cửa. Cháu bảo “sợ lây bệnh bẩn thỉu của trẻ nghèo. Con muốn được sang Singapo, Mỹ, Pháp…Con không muốn ở quê”. Những câu nói sắc lẹm thốt ra từ miệng đứa trẻ 6 tuổi đầu khiến ba má tôi buồn thiu, nén tiếng thở dài não nuột.
Xưa nay, tôi cố gắng uốn nắn cháu nếp sống giản dị, nhưng mọi nỗ lực của tôi lép vế hoàn toàn trước sự giáo dục vương giả, quyền quý của gia đình nhà chồng. Cháu được tống vào đầu nếp sinh hoạt thượng lưu, đồ ăn phải là biệt phẩm đắt đỏ, đồ mặc phải là những món hàng hiệu giá trên trời.
Là mẹ, nhưng tôi bất lực trước đòi hỏi của cháu, trong khi cháu được gia đình nội cổ súy, hào hứng ủng hộ. Tôi phải làm sao để kéo con tôi bước ra khỏi cuộc sống lụa là, gấm vóc, tiện nghi đó đây? Tôi thương con, nhưng tôi quá yếu thế. Tôi biết tuổi thơ của cháu quá đầy đủ, tới thừa mứa, nhưng cháu không được phát triển bình thường giống như bạn bè đồng trang lứa. Cháu đang bị lạc mất tuổi thơ của chính mình. Tôi phải làm gì để giúp con tôi đây?
Theo Phụ nữ online