Ho là một hiện tượng thường xuất hiện ở tất cả mọi người, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi, nhất là giai đoạn thời tiết sắp chuyển mùa. Dưới đây là một số thể chứng và các bài thuốc chữa ho của y học cổ truyền.
Ho do ngoại cảm
Ho do phong hàn: Ho, đàm loãng trắng, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi, gai rét, không có mồ hôi, khớp xương nhức, đầu đau căng tức, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc khẩn. Phép trị: Sơ phong tán hàn, tuyên phế hóa đờm. Bài thuốc chữa ho loại này gồm hạnh nhân, cát cánh, tiền hồ, tô diệp, sinh khương, chỉ xác, trần bì, bán hạ chế, bạch linh, cam thảo, đại táo 2 quả sắc uống.
Ho do phong hàn kiêm thấp: Người bệnh thấy ngực đầy, rêu lưỡi cáu, mạch nhu. Phép trị: Sơ phong tán hàn, tuyên phế hóa đờm, trừ thấp. Bài thuốc gồm hạnh nhân, cát cánh, tiền hồ, tô diệp, sinh khương, chỉ xác 8g, đại táo 2 quả sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Ho do phong nhiệt: Người bệnh ho đờm đặc vàng, kèm khát nước, họng đau, người sốt, chảy nước mũi vàng, sợ gió, ra mồ hôi, đau đầu, đau nhức toàn thân, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. Phép trị: Sơ phong thanh nhiệt tuyên thông phế khí. Bài thuốc chữa ho gồm tang diệp, hạnh nhân, cát cánh, lô căn 12g, cúc hoa, bạc hà, liên kiều 8g, cam thảo 4 g sắc nước uống.
Ho do phế táo: Thường gặp trong mùa khô hanh, có triệu chứng của thể phong hàn hoặc phong nhiệt, ho khan, khó khạc đờm, mũi họng khô, có thể lưỡi khô, đỏ, rêu vàng, mạch phù sác hoặc gai rét không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn. Phép trị: Nhuận táo, dưỡng phế. Bài thuốc gồm tang diệp, đạm đậu sị, lê bì, bối mẫu, chi tử bì 8g, sa sâm 16g, mạch môn, hạnh nhân 8g sắc uống.
|
Ảnh minh họa. |
Ho do nội thương
Ho do tỳ hư đờm thấp: Ho nhiều đờm trắng đặc, ngực bụng đầy tức, ăn không ngon, mệt mỏi, chân tay nặng nề, rêu lưỡi dày nhớt, thân lưỡi bệu, mạch hoạt nhược hoặc nhu hoạt. Phép trị: Kiện tỳ táo thấp hóa đờm, lúc ho nhiều táo thấp hóa đờm là chính, lúc giảm ho, kiện tỳ là chính. Bài thuốc gồm đảng sâm, bạch linh, bán hạ chế, thương truật 12g, bạch truật 16g, cam thảo 4g, trần bì, hậu phác 8g sắc uống.
Ho do can: Người bệnh ho do khí nghịch, ngực sườn đầy tức đau, tính tình nóng nảy, người bứt rứt khó chịu, mồm họng khô, mặt đỏ, lưỡi khô, rêu mỏng, mạch huyền sác. Phép trị: Thanh can, nhuận phế, hóa đờm, chỉ khái. Bài thuốc gồm sơn chi tử, hoàng cầm, địa cốt bì, tang bạch bì 12g, qua lâu nhân 8g, bối mẫu, mạch môn 16g sắc uống.
Ho do phế âm hứ: Bệnh có thể do ngoại cảm tà khí lâu ngày hoặc do phế nhiệt kéo dài gây phế âm hư. Bệnh diễn biến chậm, ho khan ít đàm hoặc đờm có máu, da nóng người gầy, mệt mỏi, ăn kém, mồm táo hong khô, hay sốt chiều hoặc về đêm, má đỏ, lòng bàn chân tay nóng, ít ngủ mồ hôi trộm, lưỡi thon đỏ, mạch tế sác. Phép trị: Dưỡng âm, thanh phế, hóa đờm, chỉ khái. Bài thuốc sa sâm, mạch môn 12g, ngọc trúc, hạnh nhân, bối mẫu 8g, thiên hoa phấn, bạch biển đậu 6g, cam thảo 4g sắc uống.
Ngoài ra, còn chứng ho do thận, ho do thận âm hư, thận dương hư, ho do bàng quang, ho do tiểu đường...
TTƯT.BSCK II Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội)