Theo TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối và hiến tạng Quốc gia cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại trung tâm đã nhận được 7 lá đơn tình nguyện hiến đầu cho các ca phẫu thuật ghép đầu người”.
Tuy nhiên, ca ghép đầu tiên tại Việt Nam sẽ là ghép thân của một người đã cho chết não vào đầu của một người bại liệt. Khi thành công, cơ thể sau khi ghép sẽ thuộc về người có đầu.
TS Sơn cho biết thêm: “Ghép đầu là một kĩ thuật phức tạp, hiện nay chưa có nước nào thực hiện được. Năm 2017 thế giới sẽ tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên, sau đó Việt Nam sẽ mời chuyên gia chuyển giao kỹ thuật. Đối với ca ghép đầu người, khâu quan trọng và khó khăn nhất hiện nay là cần có người cho và người nhận. Người cho có thể là người trong tình trạng liệt toàn thân nhưng phần đầu vẫn minh mẫn”.
|
Ảnh minh họa. |
Để chuẩn bị ca ghép đầu người lần đầu tiên dự kiến thực hiện vào năm 2017, thế giới có 150 y bác sĩ được đào tạo trong vòng 2 năm với các kỹ thuật thuần thục và phối hợp nhịp nhàng. Thời gian ca phẫu thuật ghép đầu này có thể diễn ra trong 2 ngày.
Năm 2013, bác sĩ Sergio Canavero ở Italy đã đề xuất ý tưởng ghép đầu người.
Bác sĩ Sergio công bố sẽ thực hiện ca cấy ghép đầu người vào năm 2017. Những người ủng hộ cho rằng một ngày nào đó kỹ thuật cấy ghép đầu sẽ đem lại sự bất tử, nhiều nhà tài trợ cho dự án, nhiều phẫu thuật viên sẵn sàng tham gia. Hiện nay Valeri Spiridonow 30 tuổi người Nga đã đồng ý hiến đầu.
Hồng Nhung