Bằng cách ưu tiên độ tươi và chế biến đúng cách, bạn có thể thưởng thức những bữa ăn không chỉ ngon mà còn an toàn và bổ dưỡng.
Hâm nóng thực phẩm, nhất là thức ăn thừa, là thói quen phổ biến ở hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, có một số thực phẩm bạn thực sự không nên hâm nóng vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe.
Chuyên gia dinh dưỡng Garima Goyal cho biết: “Không phải tất cả các loại thực phẩm đều phản ứng tốt với quá trình hâm nóng. Đó là bởi vì việc hâm nóng có thể làm mất hương vị, kết cấu, giá trị dinh dưỡng và độ an toàn.”
Dưới đây là những thực phẩm tốt hơn hết bạn không nên hâm nóng lại:
Trà
Trà có chứa các hợp chất như chất chống oxy hóa và polyphenol, góp phần tạo nên hương vị và lợi ích cho sức khỏe. Khi trà được pha lần đầu, nó sẽ giải phóng nhiều hợp chất khác nhau, bao gồm cả tannin và catechin. Việc hâm nóng trà nhiều lần sẽ khiến các hợp chất này bị phân hủy, dẫn đến mất đi hương vị và thậm chí cả những lợi ích tiềm tàng.
Ngoài ra, trà chứa caffeine và chất này có thể đậm đặc hơn khi hâm nóng. Điều đó có khả năng gây ra tác dụng phụ như bồn chồn hoặc rối loạn giấc ngủ.
Việc hâm nóng trà cũng góp phần tạo ra tính axit do sự phân hủy của một số hợp chất và thay đổi độ pH. Theo chuyên gia Goyal, hâm nóng trà có thể giải phóng axit tannic, một hợp chất polyphenol có trong lá trà. Axit tannic mang lại vị chua hơn cho trà, đặc biệt nếu trà đã được hâm nóng nhiều lần.
Hơn nữa, nếu trà để trong một thời gian dài sau khi pha và sau đó hâm nóng lại, nó trở nên có tính axit hơn vì vi khuẩn có trong trà tạo ra phụ phẩm có tính axit thông qua quá trình lên men. Đối với những người dễ bị trào ngược axit hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa, tiêu thụ đồ uống có tính axit như trà hâm nóng sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Rau chân vịt (cải bó xôi)
Rau chân vịt chứa nitrat, được chuyển hóa thành nitrit khi hâm nóng. Nitrit có thể kết hợp với các amin tạo thành hợp chất gây ung thư. Việc hâm nóng loại rau này cũng làm mất đi các vitamin tan trong nước như vitamin C và vitamin B, làm giảm giá trị dinh dưỡng của nó.
Ngoài ra, rau chân vịt là một nguồn giàu chất sắt, đặc biệt là sắt non-heme - dạng sắt dễ bị oxy hóa hơn so với sắt heme. Khi rau được nấu chín và hâm nóng lại, chất sắt có thể bị oxy hóa. Quá trình oxy hóa này có thể dẫn đến sự hình thành các oxit sắt, làm thay đổi màu sắc, mùi vị và giá trị dinh dưỡng của rau. Hơn nữa, rau chân vịt hâm nóng lại có xu hướng bị nát, nhầy và có vị đắng.
Dầu ăn
Dầu ăn được hâm nóng lại sẽ trải qua những thay đổi hóa học có thể làm giảm chất lượng và độ an toàn của nó. Chuyên gia Goyal nói rằng các chu trình làm nóng và làm mát lặp đi lặp lại dẫn đến sự hình thành chất béo chuyển hóa và các hợp chất có hại như aldehyd, có liên quan đến chứng viêm và bệnh tim mạch.
Ngoài ra, việc hâm nóng dầu vượt quá điểm bốc khói sẽ tạo ra khói độc hại và tạo mùi vị khó chịu cho thực phẩm. Để duy trì tính toàn vẹn của dầu ăn, bạn nên sử dụng dầu mới cho mỗi lần nấu và tránh hâm nóng dầu nhiều lần.
Nấm
Hâm nóng nấm có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm. Hơn nữa, nấm có chứa một số hợp chất nhất định như polysaccharides, có thể trải qua các phản ứng enzyme khi hâm nóng, làm thay đổi hương vị và kết cấu của chúng.
Nấm cũng chứa nhiều loại protein khác nhau. Khi nấm được nấu chín, những protein này trải qua những thay đổi về cấu trúc thông qua một quá trình gọi là biến tính. Khi hâm nóng nấm, quá trình biến tính có thể tiếp tục hoặc xảy ra lần nữa, gây ra những thay đổi sâu hơn về thành phần protein, giảm chất lượng protein và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn.
Cơm
Lý do hâm nóng cơm rất nguy hiểm là vì nó là nơi sinh sản của vi khuẩn. Chuyên gia cho biết vi khuẩn bacillus cereus thường thấy trong gạo, có thể tồn tại trong quá trình nấu và nhân lên khi cơm được để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài. Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bạn nên bảo quản cơm đúng cách trong tủ lạnh và đặt thẳng vào lò vi sóng ngay khi lấy ra khỏi tủ. Không nên để nguội đến nhiệt độ phòng rồi mới hâm lại.
Trứng và khoai tây
Tốt nhất bạn nên ăn trứng ngay sau khi chế biến hoặc ăn nguội sau đó. Việc hâm nóng chúng có thể giải phóng độc tố, thực sự gây hại cho cơ thể bạn.
Trong khi đó, hâm nóng khoai tây cũng là một ý tưởng tồi vì nhiệt độ cao là nơi sinh sản của vi khuẩn C. botulinum. Điều này có thể gây ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn không bị nhiệt độ giết chết mà chúng thực sự sẽ nhân lên vì nó.
Theo CTV Lương Trâm/VOV.VN