Cố cung Bắc Kinh tức Tử Cấm Thành là hoàng cung của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Được xây dựng vào năm thứ 4 triều đại nhà Minh (1406). Trải qua sự cai trị của 24 vị hoàng đế, Tử Cấm Thành được mở rộng, chiếm diện tích 720000m2, gồm hơn 9000 cung, phòng. Trong đó có hơn 70 giếng nước, phân bố chủ yếu tại các đại điện và hai phía đông tây trong và ngoài hoàn cung. Thế nhưng thú vị ở chỗ, dù nước trong giếng có trong, có ngọt đến đâu, các vị hoàng đế cũng không bao giờ dùng nước trong giếng để ăn, uống. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Theo sử sách ghi chép, vật liệu xây dựng Tử Cấm Thành chủ yếu bằng gỗ. Thời xưa chưa có điện, tất cả các thiết bị chiếu sáng đều dùng lửa. Do vậy, tất cả mọi người đều lo lắng, đề phòng hỏa hoạn xảy ra.
Trong suốt quá trình xây dựng, đã phát sinh hơn 100 đám cháy lớn, nhỏ trong Tử Cấm Thành. Để có thể dập tắt đám cháy một cách nhanh chóng, nguồn nước vô cùng quan trọng. Vì vậy, về cơ bản, biệt viện, cung lớn nào cũng đều có giếng nước đề phòng. Nước trong giếng không được phép sử dụng, chủ yếu là để phòng hỏa hoạn.
Thêm vào đó, thời vua Minh Hiếu Tông, mẹ ruột của ông là Kỷ Thục phi chết bất ngờ, bị đồn là do Vạn Quý Phi thả độc vào trong giếng, dùng nước trong giếng mà chết.
Giếng ngầm trong Tử Cấm Thành đều được kết nối với nhau. Chỉ cần một giếng bị nhiễm độc, nguồn nước ở những giếng khác cũng sẽ bị lây lan, tạo thành uy hiếp đến tính mạng của hoàng đế, hoàng tộc.
Nước giếng sau đó cũng khiến mọi người lo lắng, không dám dùng tùy tiện.
Không chỉ thế, Tử Cấm Thành gió tanh mưa máu, mệnh danh là "nuốt người không nhả xuơng". Đặc biệt, trong hậu cung không thiếu cảnh đấu đá, trả thù, vô số cung tần, mỹ nữ, cung nữ bị ép chết hoặc tự tử đều bị đẩy xuống giếng, cuối cùng chết đuối. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nước trong giếng không thể dùng để sinh hoạt.
Vậy nước sinh hoạt trong hoàng cung đến từ đâu? Đến từ dòng suối cực sạch cạnh núi Ngọc Tuyền. Được biết, nước suối ở đây trong sạch đến mức vua Càn Long còn tán thưởng, cho rằng đó là "Suối đệ nhất thiên hạ".
Kiều Dụ (Theo CQCB)