72 GIỜ XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN LỚN NHẤT VIỆT NAM
Chưa đến 72 giờ, khu tái định cư bỏ hoang suốt 5 năm ở Thủ Thiêm lần đầu sáng đèn sau khi hơn 4.000 người mắc Covid-19 được chuyển đến điều trị.
“Nước. Làm ơn mở nước đi. Trên này không có nước từ sáng đến giờ”, một F0 giận dữ, nói vọng xuống từ tầng 13.
Phía dưới, vài nhân viên y tế và dân quân tự vệ ngước lên nhìn, vừa khẩn trương khuân vác các thùng hàng, đồ tiếp tế. Khoảng sân lớn giữa 2 block chung cư ngổn ngang thùng giấy, bìa carton chưa kịp thu dọn.
Hai ngày qua, những lời phàn nàn từ nhẹ nhàng đến giận dữ thi thoảng vẫn vọng xuống. Dưới sân, vài chục người mướt mải mồ hôi chuẩn bị các phần ăn, nước uống cho hơn 4.000 người.
Khu tái định cư Thủ Thiêm (phường An Khánh, TP Thủ Đức) vốn là tòa chung cư bỏ hoang, suốt 5 năm chưa có ánh đèn. Sau 72 giờ, hàng nghìn F0 nhanh chóng lấp đầy các dãy nhà vừa được đặt tên gọi mới là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6.
|
Lực lượng dân quân tự vệ, nhân viên y tế khuân vác vật dụng, nước uống trang bị cho bệnh viện dã chiến và F0 đang cách ly.
|
Cả xóm cùng nhập viện
“Bé Gấu, vào đây con. Đừng chạy lại gần các chú”, chị C. (32 tuổi, ngụ quận 11) nói lớn, vừa chạy nhanh nắm tay con gái lại trước bé chạy ra cửa.
“Em thông cảm nha. Con bé ưa chạy nhảy nên thấy mở cửa là muốn ra ngoài chơi”, chị C. đứng nép sau cửa trò chuyện với chúng tôi.
|
Chị C. đứng từ trong nhà nói chuyện với người khác qua cánh cửa mở hé.
|
Cách đây một ngày, gia đình chị được thông báo dương tính với SARS-CoV-2. Quá nửa số người là hàng xóm, họ hàng nơi gia đình chị sinh sống cũng nhiễm virus. Ngày nhập viện, con hẻm nhỏ nằm sâu trong quận 11 rợp màu xanh của đồ bảo hộ và ánh đỏ nhấp nháy của đèn xe cấp cứu.
Chị C. cùng hàng xóm và 3 con gái nhỏ chỉ mới 2 tuổi, 4 tuổi và 7 tuổi được chuyển bệnh viện dã chiến tại Thủ Thiêm.
Ngày đầu sinh hoạt tại khu điều trị, chị C. cho biết khá bất ngờ vì được cách ly tại khu chung cư rộng rãi, có thể nhìn sang Bitexco (quận 1) và các tòa cao ốc ở đảo Kim Cương (TP Thủ Đức).
May mắn, 3 đứa trẻ vốn thích đùa nghịch nhưng bám mẹ, thoải mái chơi đùa và không có biểu hiện sức khỏe bất thường. Bản thân chị C. bị sốt nhẹ nhưng đã ổn định sau khi uống thuốc.
“Bất tiện nhất là cúp nước trong sáng nay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố chờ các anh chị dưới sân sửa chữa. Tôi đi qua khu chung cư vài lần, thấy heo hút, vắng tanh. Nay đột nhiên có cả nghìn người vào ở nên chắc chắn sẽ cập rập nhiều thứ”, người phụ nữ này chia sẻ.
|
Khung cảnh tại nơi được coi là "phòng bệnh" điều trị Covid-19 của 2 mẹ con chị C. lúc 22h.
|
Cạnh phòng cách ly của chị C. là không gian sinh hoạt chung của gia đình vợ chồng ông N. (42 tuổi, ngụ quận 6) và bố mẹ vợ.
Chiều tối, bà H. tranh thủ lau nhà sau khi có đủ nước sinh hoạt. Ông N. gọi điện thoại hỏi thăm tình hình người thân và cháu gái. Cô bé vừa hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia thì phát hiện dương tính. Một người thân khác của ông thì mệt, thở yếu và đang chờ kiểm tra y tế.
“Cuộc sống của chúng tôi bị xáo trộn. Cả hẻm có 9 người dương tính cùng được chuyển đi hôm qua. Họ hàng của tôi đã có 6 người. Không biết hôm nay có thêm ai nữa không”, ông nói.
|
Phòng cách ly được vợ chồng ông N. thường xuyên lau dọn, đảm bảo không gian thoáng mát.
|
Theo cập nhật của Sở Y tế TP.HCM, trong vòng 7 ngày trở lại đây, số ca mắc của thành phố liên tục vượt ngưỡng 1.000 người. Hàng loạt bệnh viện dã chiến cũng được hình thành gấp rút để tiếp nhận số lượng F0 tương ứng.
Tại Bệnh viện dã chiến số 6, sau 72 giờ, số lượng F0 hiện có là 3.432 người. Như vậy, trung bình một ngày, cơ quan chức năng cần chuẩn bị khoảng 10.000 suất cơm, nước uống cho các F0. Tuy nhiên, lực lượng đảm nhiệm công việc này chỉ có 100 dân quân tự vệ.
|
Chị L.T.H. (ngụ quận 3) cùng gia đình 4 người đến cách ly, điều trị tại bệnh viện dã chiến. Chị được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi đi lấy mẫu tầm soát tại phường. Hiện tại, các thành viên trong gia đình chị đều ổn định sức khỏe.
|
Trăm người chăm sóc hàng nghìn người
7h sáng 13/7, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6, có mặt tại khoảng sân giữa 2 block chung cư.
“Thưa các anh chị, tôi biết các anh chị có nhiều bức xúc vì tòa nhà thiếu thốn nhiều thứ. Chúng tôi đang cố gắng sửa chữa vì tòa nhà mới được đưa vào sử dụng. Chúng tôi, đang ở đây, cũng không có nước để sử dụng. Thật lòng mong anh chị thông cảm, chờ thêm 30 phút nữa thôi”, vị giám đốc cầm micro, trực tiếp chia sẻ với F0 tại sân bệnh viện dã chiến.
|
Quần thể khu tái định cư Thủ Thiêm, nơi đang được trưng dụng thành 5 bệnh viện dã chiến (số 3, 6, 7, 8, 9) với quy mô lớn nhất Việt Nam.
|
Chiều 10/7, bác sĩ Phan Minh Hoàng nhận lệnh từ Sở Y tế TP.HCM để thành lập khẩn cấp bệnh viện dã chiến. Danh sách nhân sự và kế hoạch xây dựng đã được bác sĩ Hoàng phác thảo ngay trong đêm.
Sáng 11/7, 40 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, đến tiếp nhận toà nhà. Đúng 18h, những F0 đầu tiên nhập viện. Đến tối ngày 13/7, sau 72 giờ, bệnh viện đón tổng cộng hơn 3.400 F0.
Ngay sau cuộc đối thoại với F0, bác sĩ Hoàng cùng trưởng đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược và Ban chỉ huy quân sự tổ chức cuộc họp tại phòng điều hành và phân chia nhiệm vụ cho từng lực lượng.
Bốn block tòa nhà sẽ được chia thành 4 khoa lâm sàng do Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phụ trách chuyên môn.
|
“Một chung cư nằm không suốt 5 năm trời trở thành bệnh viện dã chiến trong 24 giờ là điều không dễ dàng. Nhưng tất cả vẫn đang cố gắng. Sau 2-3 ngày nữa thôi, bệnh viện sẽ thật hoàn chỉnh, hoạt động nhịp nhàng và chuyên nghiệp”, bác sĩ Hoàng lạc quan nói.
|
Dự kiến, sau khi các căn hộ còn lại sửa chữa hoàn tất, bệnh viện sẽ tiếp nhận thêm hơn 2.000 F0.
“Nhiệm vụ của chúng ta là theo dõi diễn biến của F0, nếu trong khả năng thì vẫn giữ lại. Còn vượt khả năng, lập tức chuyển đi. Đặc biệt, bất kể khi nào F0 có vấn đề sức khỏe, kíp trực cấp cứu phải lập tức có mặt”, bác sĩ Hoàng chỉ đạo.
Ông cho biết mọi thứ còn rất mới mẻ, rất nhiều khó khăn và tình huống chưa lường trước được. Chẳng hạn, hôm qua, một F0 tự ý xuống sảnh tòa nhà. May mắn là người này được phát hiện và yêu cầu trở lại phòng cách ly kịp thời.
“Dù công tác khác đơn vị nhưng bây giờ chúng ta là người một nhà. Đừng để người nào trong chúng ta thành F0. Đó là điều tôi hy vọng nhất ở đội ngũ của bệnh viện”, ông nói.
|
Từ 18h đến 6h sáng hôm sau là khung giờ chuyển bệnh hàng ngày của Bệnh viện dã chiến số 6. Mỗi đêm, hàng trăm lượt F0 được chuyển đến.
|
Kết thúc cuộc họp “dã chiến”, bác sĩ Hoàng ngồi lại giữa phòng hành chính, quan sát công việc xung quanh. Trong căn phòng khoảng 50 m2 với đầy ắp chăn màn, chổi, lau nhà, gối và nước uống dành cho F0 mới nhập viện.
Hai chiếc tủ lạnh nhỏ chỉ dùng để làm lạnh nước uống. Mấy chiếc bàn được kê sát lại để làm bàn làm việc, có máy vi tính để nhập dữ liệu, chiếc máy in mới chưa bóc bao nylon. Phía góc phòng là 3 chiếc giường xếp, dành cho ai mệt và muốn nghỉ ngơi tạm thời.
|
Nhân viên y tế phân chia từng đội để phụ trách công tác hành chính, nhập dữ liệu, thu xếp chăn màn và vật dụng cá nhân cho F0.
|
Từ ngày được giám đốc bệnh viện điều động vào khu tái định cư Thủ Thiêm và phụ trách công tác điều phối, nhận bệnh nhân, bác sĩ Trương Nhựt Cường, Bệnh viện Phục hồi chức và Điều trị bệnh nghề nghề, phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện dã chiến số 6, vẫn chưa điện thoại về cho gia đình.
Suốt 3 ngày, điện thoại của anh gần như không nghỉ ngơi với hàng trăm cuộc gọi từ F0, người nhà và các cơ sở y tế xin chuyển bệnh.
|
Bác sĩ Trương Nhựt Cường, phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện dã chiến số 6, tất bật với các cuộc gọi điện thoại.
|
Các bệnh viện số 7, 8, 9, đang dần hình thành và sớm được đưa vào hoạt động tại đây. Tổng công suất của 5 bệnh viện hơn 20.000 giường. Sắp tới, khu tái định cư Thủ Thiêm với những tòa nhà heo hút, chưa một lần sáng đèn sẽ thay đổi để làm nhiệm vụ lịch sử.
|
Các toà nhà tại khu tái định cư Thủ Thiêm lần lượt sáng đèn sau 5 năm bỏ trống.
|
Từ ngày 13/7, Sở Y tế TP.HCM thông qua đề xuất cách ly tại nhà với F0. Nói về biện pháp này, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết ngay cả khi Bộ Y tế chưa có yêu cầu, thành phố cũng đã chuẩn bị cân nhắc phương án này.
Đây là một trong những giải pháp được người dân thành phố trông chờ bởi đa số F0 không triệu chứng, việc cách ly tại nhà sẽ tạo cho họ tâm lý thoải mái hơn.
Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế và tuyến điều trị tại TP.HCM đang quá tải.
|
Ngoài trao đổi tình hình qua điện thoại, mỗi ngày, nhân viên y tế trực tiếp lên phòng bệnh để đo nhiệt độ, kiểm soát tình trạng sức khoẻ của F0.
|
Với chủ trương mới, có thể thêm nhiều F0 được phân loại và cách ly tại nhà. Nhưng dự kiến, các bệnh viện dã chiến sẽ tiếp nhận số ca nhiễm tăng cao trong thời gian tới.
Lúc này, chuyện khuân vác đồ ăn, thức uống hàng ngày suốt mấy tầng lầu sẽ được giải quyết thế nào khi sức người có hạn. Những chiếc xe cấp cứu nhấp nháy đèn trước cổng bệnh viện để chờ chuyển F0 hay giọt nước mắt phía sau phòng ICU có thể vẫn còn chưa dứt.
Theo Duy Hiệu - Bích Huệ/ Zing