1. Bốc đồ ăn bằng tay
Việc ăn uống của trẻ với nhiều bậc cha mẹ là "một cơn ác mộng". Tuy nhiên, ở độ tuổi 1-3, là giai đoạn trẻ cần được học cách ăn độc lập.
Khi tự đưa đồ ăn vào miệng, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với việc ăn uống, đồng thời rèn luyện khả năng phối hợp tay và mắt, làm tăng sự tự tin và ý thức hoàn thành việc ăn uống.
Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ ngồi ăn trong một ghế riêng, đưa cho trẻ một chiếc bát và thìa, kèm theo một cái yếm và để trẻ tự do khám phá các món ăn.
2. Ném đồ đạc
Nhiều đứa trẻ thích ném đồ chơi, điều khiển từ xa, đồng hồ báo thức... Chỉ trong vài phút, căn phòng ngăn nắp trở nên lộn xộn. Bố mẹ vô cùng tức giận, bé tỉnh bơ vì không hề biết là việc xấu.
Trên thực tế, ném đồ là một hoạt động khám phá của đứa trẻ, chúng bị cuốn hút bởi chuyển động của những vật bị ném. Nếu món đồ bị vỡ hoặc phát ra âm thanh hay lăn lông lốc, trẻ càng bị kích thích, trở nên tò mò và ra sức ném các đồ vật khác để mở rộng sự khám phá của mình.
Điểm tích cực ở hành động này là trẻ sẽ nhận thức được mối liên hệ giữa mình và không gian xung quanh, bằng cách ném, di chuyển đồ vật.
Giải pháp của bố mẹ: Thay vì cấm đoán, bạn có thể cất những thứ dễ vỡ, nguy hiểm lên trên cao, rồi chủ động chuẩn bị một chiếc hộp với những quả bóng, đồ chơi... và cùng chơi với con. Thi xem ai ném chính xác hơn. Sau khi bạn đáp ứng nhu cầu ném đồ, trẻ sẽ dần bỏ thói quen ném các thứ khác.
3. Thích nghịch nước
Phần lớn những đứa trẻ đều thích nghịch nước. Chúng có thể lén mở vòi hoặc nghịch nước thật lâu khi tắm, thậm chí là lấy tay đập xuống mặt nước để nước bắn tung tóe.
Nhiều bố mẹ sợ con nghịch nước quá lâu sẽ bị cảm. Nhưng thực ra, trong mắt của những đứa trẻ, nước là một thứ kỳ diệu. Chúng có thể nắm vào bàn tay rồi để nước chảy qua các kẽ tay hay để đồ chơi nổi lên mặt nước.
Trong quá trình tiếp xúc và khám phá với nước, trẻ có thể cảm thấy các nhiệt độ khác nhau, các dạng vật chất khác nhau, giúp kích thích và phát triển các giác quan.
Nếu lo lắng con sẽ làm ướt hết sàn nhà hoặc bị cảm nếu tắm quá lâu, cha mẹ có thể gợi ý một vài trò chơi trong phạm vi kiểm soát và ấn định thời gian thay vì cấm trẻ tham gia vào những trò chơi lý thú.
Trong quá trình tiếp xúc và khám phá với nước, trẻ có thể cảm thấy các nhiệt độ khác nhau, các dạng vật chất khác nhau, giúp kích thích và phát triển các giác quan. Ảnh minh họa
4. Thích xé giấy
Không cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà. Nhưng thực tế, đây là việc giúp trẻ cử động tốt đôi tay. Bé thường rất ngạc nhiên khi thấy tay cử động theo các hướng khác nhau thì tờ giấy sẽ bị xé thành những hình thù khác biệt.
Các nhà tâm lý học tin rằng bàn tay là bộ não thứ hai của trẻ, tức là trẻ vận động đôi tay cũng đồng nghĩa với tư duy. Ngăn con hoạt động cũng đồng nghĩa với việc ngăn con suy nghĩ.
Giải pháp của bố mẹ: Bạn có thể đưa con những loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì (như giấy báo) ... để xé các hình thù khác nhau, giúp phát triển tư duy sáng tạo.
5. Thích đi chân đất
Nhiều bà mẹ luôn ép con phải đi dép hoặc giày để chân không lấm bẩn. Nhưng dù mẹ có nhắc nhở thế nào, trẻ vẫn đi chân trần và chạy nhảy khắp nơi.
Trên thực tế, việc trẻ đi chân trần lại có thể giúp kích thích các dây thần kinh ở lòng bàn chân. Ngoài ra, đối với trẻ từ 0-10 tuổi lòng bàn chân vẫn chưa định hình, tốt nhất là đi chân trần. Việc đi giày chỉ có tác dụng cho những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tránh gây tổn thương chân.
Khi thời tiết không quá khắc nghiệt, cha mẹ nên để con đi chân trần nhiều hơn. Ngoài ra, nền nhà cần được làm sạch và loại bỏ những vật sắc nhọn. Nếu cần, trẻ vẫn có thể đi thêm một đôi tất chống trơn mỏng.
6. Trẻ không chịu chia sẻ đồ với bất cứ ai
Nhiều bà mẹ than phiền bé luôn nói "Của con" khi được yêu cầu chia sẻ đồ chơi hay bánh kẹo của mình cho bất cứ ai khác, nghĩ rằng con ích kỷ. Nhưng thực ra, đây là những nhận thức đầu tiên của con bạn về quyền sở hữu. Đứa trẻ không ích kỷ, đơn giản là cái tôi của bé đang phát triển.
Trước một tuổi, bé sẽ coi bản thân và mẹ là một cá thể giống nhau. Sau đó, khi dần dần cảm nhận được sự tồn tại của bản thân, bé tự phân biệt mình và người khác bằng cách tự sở hữu những thứ của riêng mình.
Việc buộc trẻ phải chia sẻ sẽ phá hủy ý thức "sở hữu cá nhân" mà trẻ đang hình thành, thậm chí khiến bé có thể hình thành tính dễ dàng đưa đồ của bản thân cho người khác.
Giải pháp của bố mẹ: Không nên lên án hành vi của con hay ép buộc chúng phải chia sẻ. Theo thời gian, dần dần trẻ sẽ hiểu khái niệm chia sẻ, đặc biệt sau giai đoạn 3 tuổi. Khi trẻ dưới 3 tuổi, bạn chỉ cần giúp bé hiểu rằng chia sẻ không có nghĩa là mất đi món đồ, mà món đồ sẽ lại quay trở lại sau khi cho mượn.
7. Vẽ ra khắp nhà
Chỉ cần có một cây bút trong tay, trẻ sẽ vẽ ra khắp các bề mặt dù là tường, mặt đất hay khăn trải bàn. Những hình vẽ tưởng chừng nguệch ngoạc nhưng với sự sáng tạo, trẻ có thể vẽ ra một con chim, một chiếc ô tô hay cả một tòa lâu đài,… mà cha mẹ không thể hiểu rõ.
Việc cha mẹ liên tục cấm trẻ vẽ ra nhà sẽ khiến chúng giảm tính sáng tạo. Vì vậy, cha mẹ có thể gợi ý trẻ vẽ lên giấy hoặc có thể dùng một chiếc bảng vẽ treo lên tường để đáp ứng nhu cầu vẽ tranh của trẻ.
|
Việc cha mẹ liên tục cấm trẻ vẽ ra nhà sẽ khiến chúng giảm tính sáng tạo. Ảnh minh họa |
8. Gỡ tung các thứ đồ
Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển một kỹ năng mới, đặc biệt là các bé trai. Trẻ thích tháo hết đồ chơi, điều khiển từ xa, vật dụng trong nhà... để xem có gì bên trong.
Sự thật là những trẻ này rất tò mò, có khả năng vận động mạnh. Việc tháo đồ ra để thử lắp lại có thể do bé bắt chước người lớn, nhưng giúp trẻ được khám phá, điều này có lợi cho sự quan sát và khả năng nhận thức của bé.
Giải pháp của bố mẹ: Thay vì để con khám phá những vật dụng gia đình, nên chủ động cung cấp cho bé các đồ chơi có thể tháo lắp như ôtô, lego...
Theo Tường Vy/Gia Đình Xã Hội