Sau đó thì mẹ không còn phát ra tiếng được nữa, mồm mấp máy, nước mắt thì chảy. Bố nghiêng người nói với
mẹ: “Anh biết rồi, em không phải nói gì hết cả”. Nói rồi bố nắm lấy tay mẹ và hôn lên đôi bàn tay nhỏ bé, gầy gò đó. Đôi bàn tay ấy dần dần nguội lạnh.
Mẹ đã mãi mãi ra đi.
Cách đó 2 ngày mẹ bị tai nạn, kiên cường chống chọi được đúng 2 ngày. Bố muốn đưa tôi đến nhìn mặt mẹ lần cuối nhưng mẹ nhất quyết không cho. Mẹ lo tôi nhìn thấy mẹ như vậy tôi sẽ sợ. Ngày đó tôi mới vừa tròn 1 tuổi và sống với bà nội ở dưới quê. Đứa trẻ mới 1 tuổi như tôi chưa thể hiểu được thế nào là sinh ly tử biệt, chưa thể biết được chiếc xe tải kia đã chia cách mẹ con tôi mãi mãi.
Trở về thành phố được hơn một tháng thì bố về quê đón tôi lên. Trên xe, bố lấy tay che miệng khóc không thành tiếng. Phải nói với tôi thế nào đây? Nếu có thể chọn, bố mong chiếc xe kia sẽ đâm vào bố chứ không phải mẹ. Nếu như không có tôi, bố nguyện sẽ đi theo mẹ luôn. Nếu như tôi có thể tha thứ cho bố, bố nguyện sẽ nói với tôi hàng ngàn câu “xin lỗi”. Nhưng, phải nói với tôi thế nào đây?
Bố bảo: “Mẹ con đi công tác rồi, phải rất lâu nữa mẹ mới về”. Hai mắt tôi tròn xoe, miệng bập bẹ hai tiếng mẹ. Bố quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nhìn bầu trời nhuộm đầy màu vàng, bố lại nhớ đến mẹ.
Kể từ ngày mẹ mất, bố thay mẹ đảm nhiệm mọi việc. Từ kể chuyện cho tôi nghe, mua đồ chơi cho tôi chơi đến giặt quần áo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Hôm nào đi đón tôi ở nhà trẻ bố cũng không quên cắm một cái ăng-ten lên đầu giả làm người ngoài hành tinh. Bố còn đưa tôi đi vườn bách thú, đi xem xiếc, tôi thích lắm. Bố luôn cố gắng để tôi quên mẹ, cố gắng để tuổi thơ của tôi luôn tràn ngập những tia nắng mặt trời. Nhưng sao có thể như vậy được?
Những lúc yên tĩnh, tôi vẫn hỏi bố khi nào thì mẹ về. Bố đã che mặt. Bố có thể chịu đựng mọi thứ, từ trách móc, đau khổ, cô đơn… nhưng lại không chịu đựng nổi ánh mắt của tôi. Ánh mắt nhấp nháy đầy vô tội khiến lòng bố rối bời. Tôi mới chỉ là một cô bé 4 tuổi, nhưng dường như trong ánh mắt ấy lại chứa đựng một nỗi buồn sâu thẳm. Bố đã buộc lại dây giày cho tôi. Ngày hôm đó bố đã quỳ dưới đất rất lâu mới đứng dậy.
|
Cô ấy kéo chiếc va ly vào trong nhà rồi giang hai tay về phía tôi như muốn ôm tôi vào lòng - Ảnh minh họa.
|
Rất nhiều người giới thiệu bạn gái cho bố. Vì phép lịch sự và làm cho có lệ, bố cũng gặp gỡ họ nhưng rồi sau đó không có bất cứ sự liên lạc nào. Mấy năm trở lại đây, dường như đêm nào bố cũng nhớ đến mẹ, nhớ đến vẻ lương thiện, dịu dàng của mẹ, bố biết mẹ không thể quay về được nữa. Chính bởi thế mà bố càng nhớ mẹ hơn, nhớ đến nỗi nước mắt dàn dụa, lòng nhói tim đau, nhớ đến bạc cả mái đầu.
Năm đó bố mới 30 tuổi. Bố biết tôi đang nhớ đến mẹ. Bố cũng biết, trong trí nhớ của tôi, hình ảnh của mẹ rất mơ hồ. Đứa trẻ mới 4tuổi như tôi thì làm sao có thể nhớ được hoàn chỉnh điều gì đó chứ? Tôi nhớ mẹ bởi tôi ngưỡng mộ mẹ của những đứa trẻ khác, bởi tôi biết bản thân tôi cũng cần có một người mẹ.
“Mẹ con đi đến một nơi rất xa, rất xa… nơi đó không thể tìm thấy trên bản đồ… có lẽ, mẹ sẽ sớm về với con thôi”. Bố đã nói với tôi như vậy. Bà nội cũng nói vậy. Hàng xóm cũng nói vậy. Cô Hương dạy tôi ở nhà trẻ cũng nói vậy. Người nào cũng nói như vậy hết. Nói rồi, trong lòng họ luôn cảm thấy bất an và tự trách chính mình. Thực ra, việc giấu sự thật đối với một đứa trẻ chưa hiểu biết gì là điều vô cùng đau khổ.
Cuối cùng, bác Hồng chị gái mẹ tôi ở tít dưới quê cũng lên. Bác khuyên bố nên lấy vợ khác, bác bảo hai bố con tôi không thể sống thế này mãi được. Bố xoa tay bảo: “Em yêu cô ấy”. “Tôi biết chú rất yêu em gái tôi… tôi cũng rất yêu nó… nó là vợ cậu nhưng cũng là em gái tôi, cậu cứ thế này sớm muộn sức khỏe cũng sẽ đi xuống thôi… hãy tìm ai đó mà sống cùng và cùng nhau chăm sóc cho con bé, đó chẳng phải cũng là nguyện vọng trước khi chết của dì ấy sao?”.
Bố không nói được lời nào mà chỉ cúi đầu, khóe mắt đỏ ngầu, hai mắt lại rưng rưng. Đúng thế, chăm sóc cho tôi chính là nguyện vọng trước khi ra đi của mẹ. Hơn nữa, liệu bố có quyền để nói dối cô con gái của bố cả đời không? Tôi lúc đó đã lên 6 tuổi.
May mắn là bố đã gặp được một người phụ nữ tốt. Cô ấy là người sống nội tâm, tốt bụng và lương thiện. Cô thường đi dạo cùng bố, chuyện trò cùng bố, giặt quần áo cho bố, nhìn trộm tôi ở cửa nhà trẻ. Bố không muốn cô ấy tiếp xúc với tôi quá sớm bởi bố biết, tâm hồn mong manh, nhỏ bé của một đứa trẻ sẽ đau khổ đến mức nào khi một lời nói dối sau bao năm bị bại lộ.
Cố đợi thêm 2 năm nữa, đợi tôi lớn thêm một chút, bố sẽ kể lại mọi chuyện cho tôi nghe. Bởi thế, hôm đó bố đã cười và bảo tôi rằng: “Mẹ con sắp về rồi đấy”. Tôi bỗng đờ người, dường như tôi không dám tin vào những gì bố nói. Bố bảo: “Nhưng mẹ con gầy lắm… con còn nhớ mẹ thế nào không?”. Tôi để tay lên trán nghĩ rất lâu rồi lắc đầu. Bố mỉm cười mà trong lòng nhói đau. Dù sao cũng hay, rốt cuộc tôi vẫn còn là một đứa trẻ.
Cô ấy kéo chiếc va ly vào trong nhà rồi giang hai tay về phía tôi như muốn ôm tôi vào lòng. Tôi đứng thần người một lúc, nét mặt tỏ vẻ thận trọng. Thấy vậy bố liền bảo: “Con không còn nhớ mẹ sao?”. Tôi vẫn đứng ì ở đó. Bố lại bảo: “Con mau gọi mẹ đi”. Tôi liền chạy lại gọi mẹ rồi nằm gọn trong vòng tay của cô ấy. Lúc đó, cả bố cũng nhìn thấy những giọt nước mắt từ trong khóe mắt của cô.
Ăn xong bữa cơm chiều, cô ấy đi theo tôi về phòng. Cô bảo kể chuyện cho tôi nghe. Tôi liền bảo: “Cháu biết cô không phải là mẹ cháu. Cô là bạn mẹ cháu đúng không?”. Cô ấy sững sờ. “Mẹ cháu chết rồi”, tôi nói rất thành thật. “Là cháu nghe bà nội nói vậy… Mấy hôm trước ông bà nội nói chuyện đã bị cháu nghe thấy… chỉ có ông nội, bà nội và cháu biết là mẹ đã chết thôi, à, cả cô nữa. Mẹ cháu chết khi cháu mới tròn 1 tuổi, mẹ không thể quay về được nữa... nhưng bố cháu thì vẫn cứ tưởng là mẹ đi công tác…”.
Nghe xong cô ấy không nói được câu nào. Tôi bảo: “Nếu cô đối xử tốt với cháu, đối xử tốt với bố cháu, cháu sẽ đồng ý để cô làm mẹ cháu”. Nói rồi tôi liền kéo tay cô ấy lại rồi ngoắc tay vào ngón út của cô: “Đây là bí mật của hai cô cháu mình, cô tuyệt đối không được nói cho bố cháu nhé… nếu biết bố sẽ buồn lắm…”.
Đứng ngoài cửa phòng, bố chỉ còn biết cắn chặt môi, lặng lẽ nghe toàn bộ “bí mật” của chúng tôi.