Hoàn cảnh khó khăn nên tôi cực kỳ sợ hãi khi mỗi lần gia đình chồng gọi điện để đòi quà biếu Tết.
Tôi và anh đều xuất thân từ làng quê nghèo khó, bố mẹ chỉ có mấy sào ruộng còn bố mẹ tôi thì đều làm giáo viên nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Hai đứa lấy nhau nguyện ước sẽ cố gắng phấn đấu để có một ngôi nhà ở thành phố và mức lương tạm ổn để không phải khổ nữa. Ra trường, hai đứa xin được việc làm, vừa đi làm vừa đi học để nâng cao tay nghề. Anh ban đầu về một công ty sản xuất phụ tùng ô tô, sau này được lên làm quản đốc, còn tôi thì làm nhân viên kế toán của một siêu thị điện máy.
Vớ sự cố gắng ban đầu của hai vợ chồng cộng với tiền vay mượn thêm, chúng tôi đã mua được căn chung cư cũ và nhỏ ở một khu tập thể ngoài ngoại thành Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều rất vui vì đã không phải chịu cảnh thuê nhà nữa. Dần dần sau khi trả được hết nợ thì những tưởng cuộc sống của hai vợ chồng ngày càng dễ chịu hơn thì ngược lại.
Đó là khi tôi sinh đứa thứ hai xong thì sức khỏe tôi bỗng giảm sút đột ngột rất nhiều bệnh tật, con gái tôi sinh ra tình trạng cũng không ổn chút nào. Cháu thường xuyên phải có mặt ở bệnh viện, thậm chí quen mặt bác sĩ y tá tới nỗi mà họ chẳng còn nhớ nổi bao nhiêu lần con tôi phải nhập viện khẩn cấp lúc nửa đêm. Dành nhiều thời gian chăm con khiến tôi không thể đi làm được, mặc dù cơ quan tạo điều kiện nhưng hơn một năm trời tôi cũng không thể bỏ con để yên tâm mà đến công sở nên tôi tạm nghỉ không lương và tạm dừng đóng bảo hiểm để mong con cứng cáp rồi mới tính đến đi làm sau.
Ở nhà mọi chi tiêu bỗng nhiên dồn hết vào tay chồng tôi, tôi thì không còn lương nên hai vợ chồng bỗng nhiên phải rất tằn tiện còn để dành tiền cho con đi viện. Còn bản thân tôi sức khỏe thay đổi, rất hay ốm đau nhưng tôi không dám đi khám vì sợ tốn kém quá. Đến khi bé con nhà tôi được gần 3 tuổi có bà ngoại lên trông giúp thì tôi đi xin việc trở lại nhưng lúc đó siêu thị đã đủ người nên họ không thể nhận tôi làm nữa, họ nói chờ cơ hội khi nào có vị trí mới thì họ sẽ gọi. Nhưng đợi đến bao giờ. Thế là tôi lại lê la vác hồ sơ đi khắp nơi để xin việc.
Nhưng tìm được một công việc thật khó, dù tôi đã giảm xuống mức lương rất thấp nhưng vẫn chưa có chỗ nào nhận, thành ra tôi vẫn phải ăn bám chồng. Nhưng vì tính sĩ diện nên chồng tôi giấu không cho tôi nói với mọi người rằng tôi chưa xin được việc, anh bảo làm thế mất mặt anh.
Về nhà, họ hàng bố mẹ anh thì vô cùng tự hào khi có người con giỏi giang như anh, trong mắt mọi người trong gia đình chồng thì chồng tôi như một vầng hào quang khi đã mua được nhà ở thành phố, làm vị trí quản lý khi còn chưa đầy 30 tuổi. Vì có nhà cửa ở đây nên động gì đến thành phố từ việc chữa bệnh đi chơi, đi thi cử nhà tôi đều trở thành nơi trú ngụ của mọi người. Mà mỗi lần mọi người đến thì thường kéo cả một gia đình lên bắt tôi phải phục vụ cơm nước mà thậm chí là ăn uống phải đầy bàn đầy mâm chứ không thể tiết kiệm được.
Gần Tết mới là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tôi, để giữ thể diện, Tết năm nào chúng tôi cũng phải chuẩn bị rất nhiều tiền lì xì cho người lớn tuổi, các cháu bên gia đình chồng, mà dòng họ nhà tôi thì đông không kể, rồi thậm chí mừng người lớn toàn tiền triệu để bố mẹ được mát mặt với mọi người. Bây giờ thậm chí mọi người còn hay gọi thẳng cho hai vợ chồng chỉ đạo là mang cái nọ cái kia, mua cây mai hay một chậu cây cảnh đắt tiền nào về nhà. Nhưng mang về họ thản nhiên nhận chứ chẳng bao giờ đưa tiền cho vợ chồng tôi. Dường như tâm lý được nhận ăn sâu vào máu của họ rồi hay sao. Tôi cảm thấy chán nản lắm, chồng tôi bảo đâm lao thì phải theo lao, giờ mà kêu khó khăn là mọi người sẽ cho rằng mình cố tình làm thế rồi sẽ giận.
Tôi phải làm sao đây?
Theo Gia đình VN