Những lưu ý khi dùng nước mắm
1. Không sử dụng nước mắm bán trôi nổi
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước mắm khác nhau và không phải loạn nào cũng an toàn. Không ít lần cơ quan chức năng phát hiện ra các lô nước mắm bị làm giả hoặc pha trộn hóa chất. Có cơ sở còn pha soda công nghiệp để sản xuất nước mắm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết nếu sử dụng loại nước mắm pha soda công nghiệp thì người dùng có nguy cơ bị nhiễm độc hoặc mắc các bệnh về tim, gan, thận,…
Chính vì vậy, bạn cần lưu ý chỉ sử dụng loại nước mắm lên men tự nhiên và không có hóa chất bổ sung. Nước mắm phải có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Khi mua nên chọn mắm có vị mặn gắt nhưng thơm nồng, ăn có vị ngọt ở cuống lưỡi.
2. Tránh dùng quá nhiều nước mắm
Hàm lượng muối trong nước mắm rất cao nên các gia đình cần tránh lạm dụng nước mắm để kiểm soát lượng muối tiêu thụ. Theo khuyến cáo của WHO thì mỗi người chỉ nên dùng 5g muối/ngày. Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia hướng dẫn thì 5g muối tương đương với 26g nước mắm (khoảng hơn 5 thìa canh nước mắm)
3. Không nên đun nước mắm quá lâu
Trong một số món ăn như kho, xào, canh,… nhiều gia đình thường cho thêm nước mắm để món ăn có hương vị thơm ngon hơn. Các chuyên gia khuyên nên cho mắm vào khi gần tắt bếp rồi bắc ra luôn. Nếu đun quá lâu thì mùi vị của mắm sẽ bị bay mất. Bên cạnh đó, vitamin trong nước mắm cũng bốc hơi làm lãng phí dinh dưỡng.
Ai không nên ăn nước mắm?
Vì có chứa hàm lượng muối cao nên nước mắm cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe của bệnh nhân tim mạch, suy thận, cao huyết áp,… Ăn nhiều nước mắm khiến sức khỏe của nhóm người này trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, nhóm bệnh nhân này cần kiêng muối, nước tương, nước mắm,… Tốt nhất, người bệnh nên hạn chế dùng nước mắm hoặc ăn theo khuyến nghị từ bác sĩ.
Theo Trần Thu Thủy/ Khoevadep