Bác sĩ chỉ dấu hiệu và cách xử trí khi bị sốc nhiệt

Google News

Sốc nhiệt có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị nhanh chóng, đúng cách.

Nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị nhanh chóng, đúng cách
Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, hô hấp, tuần hoàn,… dẫn đến rối loạn ý thức hoặc hôn mê.
Hiện tượng này thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột được hấp thụ từ bên ngoài cơ thể tại nơi làm việc hoặc trong môi trường nắng nóng thời gian dài.
Bởi mất kiểm soát nhiệt độ cơ thể nên sốc nhiệt có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị nhanh chóng, đúng cách.
Dấu hiệu của người bị sốc nhiệt
- Có dấu hiệu của sự kiệt sức
- Nhiệt độ cơ thể tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn
- Cảm thấy rất nóng và khô
- Không đổ mồ hôi mặc dù cơ thể rất nóng
- Thở gấp, nhanh hoặc hụt hơi
- Dần mất tỉnh táo
- Lên cơn co giật
- Không phản ứng.
Bac si chi dau hieu va cach xu tri khi bi soc nhiet
Lọc máu cứu bệnh nhân sốc nhiệt tại bệnh viện Đa khoa Phú Thọ,
Xử trí ban đầu khi bị sốc nhiệt
- Đưa ngay bệnh nhân vào nơi mát mẻ. Ở trong nhà là tốt nhất, nhưng nếu chưa có điều kiện hãy đưa họ vào nơi có bóng râm. Cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt. Gọi điện thoại cho xe cấp cứu. Sử dụng quạt làm mát trong khi chờ đợi.
- Làm giảm thân nhiệt bệnh nhân càng sớm càng tốt ngay tại hiện trường, không nên chờ khi đến viện bằng một khăn ướt (vắt ráo nước), chườm mát, quạt mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm chườm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38 độ C (100,4F).
Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ tấm khăn ướt và thay bằng tấm khô. Trấn an người bệnh cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế. (Lưu ý tránh dùng nước đá dội có thể làm co mạch ngoại vi tăng thân nhiệt trung tâm)
- Khi có xe cấp cứu đến cần nhanh chóng vừa hỗ trợ làm mát cơ thể, vừa đưa người bệnh đến các cơ sở y tế.
Các đối tượng có nguy cơ cao nhất đối với sốc nhiệt
- Những người phải làm việc trong điều kiện môi trường nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, người công nhân làm việc trên lò cao, các vận động viên thi đấu, luyện tập dưới điều kiện nắng nóng…
- Sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt.
Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không mấy chú tâm đến chúng, hoặc họ có thể cảm thấy ngại khi than phiền về việc cảm thấy khó chịu trong quá trình luyện tập thể thao.
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải ở lâu ở ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.
Cách tránh sốc nhiệt
Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
ThS.BSNT Nguyễn Văn Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội)
ThS.BSNT Nguyễn Văn Tuấn