Biết mình mắc bệnh tiểu đường, chị Nguyễn Thị Nhung (45 tuổi ở quận 7, TPHCM) sợ hãi đến mất ăn mất ngủ, sức khoẻ giảm trông thấy, người hay mệt mỏi, chẳng muốn làm, chỉ thèm nước đến khô cả miệng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các biện pháp ăn kiêng, tập luyện, đặc biệt là sử dụng bài thuốc “Sinh địa bát vật” để điều trị bệnh, hiện mức đường huyết của chị Nhung đã ổn định...
Giấu gia đình khi mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường ngày nay không còn xa lạ với chúng ta. Thế nhưng, có những người mắc bệnh lại lo lắng, suy nghĩ và ái ngại nên muốn che kín. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhung (quận 7, TPHCM), là nhân viên kế toán của một công ty liên doanh. Cuộc sống gia đình khá giả, lại thêm tính hay thích vui. Cứ cuối tuần chị lại tụ tập bạn bè đến nhà hoặc đi chơi để ăn uống. Chẳng hiểu sao chị lại rất thích những thức ăn thuộc “đồ nhắm” đàn ông. Vốn cơ thể dễ hấp thu, chị béo lên nhanh chóng.
Thế nhưng, khi 45 tuổi, chị cảm thấy sức khoẻ giảm trông thấy, người hay mệt mỏi, chẳng muốn làm, chỉ thèm nước đến khô cả miệng. Chị đi khám thì mức đường huyết tới 15mmol/l. Chị sợ hãi đến mất ăn mất ngủ, nhất là khi tìm hiểu những biến chứng của nó.
Chị không nói với ai vì mình mắc bệnh, sợ rằng mọi người nghĩ chị ăn uống vô độ nên mới thế. Lặng lẽ, chị Nhung áp dụng các biện pháp ăn kiêng và tập luyện, sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Gia đình thấy chị mỗi bữa chỉ ăn nửa bát cơm, thích ăn mướp đắng nhồi thịt, xào trứng, thậm chí ăn cả mướp đắng sống, trước kia chị sợ vì cho rằng nó đắng, không ngon, không giống như mọi ngày nên thắc mắc. Chị Nhung chỉ bảo là do muốn mặc váy, nên thực hiện giảm cân.
Ngày nào, chị cũng dậy sớm đi bộ, tham gia tập yoga cùng một số người bạn trong công ty. Lúc đầu, rất khó khăn trong việc tuân thủ cách tập luyện ăn uống đối với chị, bởi từ trước tới giờ chị chưa bao giờ biết tập thể dục, biết ăn kiêng. Áp dụng một thời gian khá dài, kèm theo uống thuốc y học cổ truyền, chị Nhung đi khám lại thì mức đường huyết xuống 9, rồi 8mmol/l. Hiện nay, sức khoẻ của chị Nhung đã ổn định, cân nặng hơi mập, nhưng chị rất vui vì mình áp dụng thành công quá trình trị bệnh...
|
Lương y Minh Phúc thăm khám cho bệnh nhân Nhung. |
Thức ăn dư thừa không tiêu hết sinh bệnh
Chị Nhung là trường hợp bệnh nhân ấn tượng trong quá trình điều trị của lương y Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu. Chia sẻ về bệnh nhân này, anh cho hay: Bệnh tiểu đường theo y học cổ truyền có nhiều nguyên nhân, phần nhiều do thiên thiên không được tốt, hoặc do hậu thiên thiếu quan tâm đến ăn uống, mà sinh căn bệnh.
Trường hợp bệnh nhân Nhung người vốn đã mập thừa cân, lại ăn nhiều chất bổ béo, thức ăn dư thừa tích chứa lâu ngày không tiêu hết mà sinh đàm hoả nên dẫn tới bệnh tiểu đường. Từ xưa, y học cổ truyền chẩn đoán bệnh tiểu đường thường dựa yếu tố xã hội cộng đồng. Người có nguy cơ cao, thường ở người tầng lớp nhà giàu có, “vua chúa” nên còn gọi là bệnh nhà giàu.
Chị Nhung là bệnh tiểu đường do “vị nhiệt” thường có triệu chứng ăn nhiều mau đói, cầu táo khó. Tôi đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc có tác dụng mát vị sinh tân chỉ khát, nhuận trường... Với bài thuốc “Sinh địa bát vật” gia giảm gồm có vị: Sinh địa, đơn bì, hoài sơn, mạch môn, tri mẫu, hoàng cầm, hoàng bá, oàng liên. Tác dụng: Thanh vị, trị âm hư hỏa vượng...
Ngoài dùng thuốc điều trị, những bệnh nhân tiểu đường cần xây dựng chế độ ăn đúng nguyên tắc, phải cân đối thành phần dinh dưỡng như chất bột đường (glucid) nên ăn khoảng 60 - 66% năng lượng. Chất đạm (protit) nên ăn khoảng 15 - 20% năng lượng. Chất béo (lipit) nên ăn khoảng 15 - 20%, ngoài ra cần ăn các vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vi chất magiê và kẽm như món canh khổ qua nhồi thịt. Bằng cách khổ qua 1 - 2 trái, thịt ba chỉ bầm nhỏ gia vị vừa đủ nhồi vào ruột trái ninh nhừ, ăn tuần vài lần hay món khổ qua xào trứng. Bằng cách khổ qua thái lát xào với trứng cho thêm gia vị vừa đủ tuần ăn vài lần đều rất tốt.
Qua thực tế cho thấy, căn bệnh tiểu đường là bệnh hư, chức năng nội tạng bị suy giảm, do âm huyết, tân dịch bị tiêu hao. Vậy nên bệnh này cần phải phòng và điều trị lâu dài, kể cả ăn uống, thuốc men, tập luyện. Tuy nhiên, thuốc Đông y chỉ uống một đợt điều trị triệu chứng khó chịu như uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, người mập hay mệt mỏi... Nếu bệnh nặng đường huyết quá cao cần phải phối hợp thuốc Tây.
TS Thanh Nhạn (Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam)
Phạm Hằng