Tình hình hỗn loạn về việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản ra biển vẫn đang diễn ra âm ỉ, rất nhiều bình luận không thân thiện đổ vào phòng phát sóng trực tiếp của nhiều ngư dân Trung Quốc.
Theo ghi nhận, một ngư dân tên Vương Xu ở Tượng Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, phát sóng trực tiếp vào sáng ngày 26/8 vừa qua, quảng bá sản phẩm mình vừa đánh bắt được. Nào ngờ, không giống như mọi khi, nhiều cư dân mạng liên tục đăng những bình luận công kích, cho rằng ngư dân đánh bắt cá ngoài biển là đang hại người khác, bán sản phẩm khiến người khác bị nhiễm phóng xạ.
|
Ảnh minh họa. |
Dù ngư dân liên tục giải thích: "Bây giờ thực sự không có ô nhiễm. Chúng tôi sống gần biển mà, trong vòng ba tháng sẽ không sao cả, ở Ninh Ba vẫn giao hàng bình thường". Thế nhưng, khi nhìn thấy bình luận: "Bạn đang bán sản phẩm gây hại cho người khác", ngư dân không giữ nổi bình tĩnh nữa, cáu giận nói: "Tôi hại người kiểu gì? Nói xem tôi đã làm hại ai, ở đâu?"
Vợ của Vương Xu cho biết, chồng cô bắt đầu câu cá từ năm 17 tuổi và là một ngư dân lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, anh chưa bao giờ gặp phải chuyện như vậy trước đây. Gặp phải đánh giá không tốt, Vương Xu chỉ có thể lo lắng sốt ruột, không biết làm gì.
Không ít ngư dân phát sóng trực tiếp cũng có trải nghiệm như vợ chồng Vương Xu. Khi một streamer khác đang cố gắng giới thiệu về hải sản của mình thì khu bình luận tràn ngập những bình luận như "Không ăn được, không ăn được, không ăn được", "Cá đột biến", "Ăn vào sẽ bị ung thư", "Nhanh chuyển nghề đi".
Cuối cùng, ngư dân vỡ òa và hét vào ống kính: "Tức chết thôi, mấy người làm sao vậy, tôi không thể kiềm chế nổi, bị chọc tức đến hồ đồ rồi".
Nói về tác động của việc xả nước thải hạt nhân đối với nghề cá ở Trung Quốc, người phụ trách liên quan của Thành phố Thủy sản Quốc tế Chu Sơn, Chiết Giang, chỉ ra rằng thành phố hiện tại đang bán hàng bình thường, không có nhiều thay đổi trong chu kỳ bán hàng dài hạn.
Chu Trọng Nguyên, Phó giáo sư tại Trường Sinh vật biển, Đại học Hải dương Trung Quốc, cho rằng trước mắt người dân không cần phải hoảng sợ về hải sản, đối với hải sản ăn được thì nguồn gốc là rất quan trọng. Hiện, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Nhật Bản.
Những sản phẩm từ vùng biển xa và vùng nước ven biển của Trung Quốc vẫn có thể được ăn một cách an toàn, hơn nữa các sản phẩm thủy sản phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường Trung Quốc, nếu vượt quá tiêu chuẩn an toàn, các cơ quan nhà nước liên quan sẽ không cho phép tham gia thị trường.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nước sông bị ô nhiễm do hoạt động xả thải của nhà máy đường
Kiều Dụ (Theo ET)