Bao cao su phi giới tính đầu tiên trên thế giới có gì đặc biệt?

Google News

(Kiến Thức) - Bao cao su phi giới tính có chất kết dính được thêm vào lớp ngoài. Nhờ vậy, vùng kín của cả hai bên đều được bảo vệ chặt chẽ hơn.

Trước đây, bao cao su được chia thành hai loại, dành cho nam và dành cho nữ, thế nhưng mới đây, bác sĩ phụ khoa người Malaysia - John Tang Ing Chinh đã phát triển loại bao cao su phi giới tính đầu tiên trên thế giới, với hy vọng rằng "mọi người không phân biệt giới tính hoặc khuynh hướng, họ có thể tự bảo vệ mình tốt hơn"
Theo Reuters, loại bao cao su "unisex" này được làm từ chất liệu y tế thường dùng để băng vết thương, ngoài việc vô cùng tiện dụng, có thể đeo cho cả nam và nữ, nó còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe tốt hơn cho mọi người, khi thực hiện những hoạt động quan hệ tình dục.
Bao cao su phi gioi tinh dau tien tren the gioi co gi dac biet?
 Bác sĩ phụ khoa Malaysia đã phát triển loại bao cao su unisex đầu tiên.
Các bác sĩ cho biết, bao cao su thông thường chỉ có thể bao bọc dương vật, hoặc có tác dụng bảo vệ âm đạo, nhưng hầu hết các bệnh viêm nhiễm đều xảy ra ở gốc dương vật của nam giới và âm hộ, môi âm hộ của nữ giới.
Bao cao su "unisex" này có chất kết dính được thêm vào lớp ngoài, cho phép bao cao su được gắn vào âm đạo hoặc dương vật và bao phủ cả những khu vực lân cận, nhờ vậy, vùng kín của cả hai bên đều được bảo vệ chặt chẽ hơn.
John Tang Ing Chinh cũng cho biết thêm, lớp chất kết dính này chỉ dán vào một mặt của bao cao su nên có thể xoay ngược dễ dàng và dùng được cho cả nam và nữ.
Ngoài ra, loại bao cao su này được làm bằng chất liệu polyurethane, chỉ mỏng 0,04mm, dẻo, rất bền và không thấm nước, do đó, người sử dụng sẽ không có cảm giác bị lạnh, cảm giác khác biệt bởi đây là loại bao cao su rất thân thiện với làn da.
Phát minh của John Tang Ing Chinh được xem là bước tiến mới trong lĩnh vực an toàn tình dục, phù hợp cho mọi giới tính. Nó cũng được kỳ vọng là sẽ thay thế những loại bao cao su hiện có và bảo vệ mọi người tốt hơn.

Mời quý độc giả xem thêm video: Viêm nhiễm phụ khoa có thể chữa dứt điểm?. Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống.

Kiều Dụ (Theo ET)