Vì sao đàn ông ra tay bạo hành vợ con?
Chỉ sau vụ chồng võ sư bạo hành vợ ở Long Biên (Hà Nội) khi trên tay người vợ vẫn đang ôm đứa con mới 2 tháng tuổi không lâu, dư luận lại vô cùng bức xúc về việc người chồng ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đánh người vợ bầu 7 tháng gãy tay chân. Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y Bình Thuận cho thấy người vợ bị đánh thương tật trên 30%.
|
Vụ chồng đánh vợ đang mang bầu ở Bình Thuận gây bức xúc dư luận. |
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao người đàn ông lại có thể đang tâm ra tay được với ngay cả người vợ đang mang giọt máu của mình như vậy? Với kinh nghiệm 18 năm làm tham vấn tâm lý, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ Tp.HCM), chia sẻ với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội cô tỏ ra rất bất bình trước các vụ chồng bạo hành vợ dã man gần đây. Những vụ việc bạo hành gây hậu quả rất nghiêm trọng lên bản thân người phụ nữ, đứa con của họ và ngay cả với chính người đàn ông gây ra bạo hành.
Nói về nguyên nhân vì sao mà người đàn ông là người chồng – người cha lại có thể ra tay bạo hành ngay cả khi vợ đang mang bầu giọt máu của mình, TS Phạm Thị Thúy cho rằng mỗi một trường hợp bạo hành sẽ có những lý do riêng, nhưng nhìn chung có một vài lý do nổi bật:
+ Thứ nhất: Người đàn ông đánh vợ do họ muốn kiểm soát và thể hiện quyền lực với vợ. Họ coi thường người vợ, cho mình có quyền sinh quyền sát, dạy là vợ phải nghe. Điều này là xuất phát từ quan niệm định kiến giới, coi thường phụ nữ. Họ không tôn trọng, không coi vợ là người đồng hành với mình trong xây dựng hạnh phúc gia đình.
+ Thứ 2: Người đàn ông có những tổn thương tâm lý
Trong rất nhiều vụ bạo hành, người đàn ông từng là nạn nhân của bạo lực từ nhỏ. Họ là người bị đánh hoặc là người chứng kiến bạo lực trong gia đình giữa bố và mẹ nên bị tập nhiễm hành vi đó. Họ bị bắt chước theo một cách vô thức. Nóng lên là đánh, tức là đánh vì không biết cách giải quyết nào khác ngoài dùng bạo lực.
Ngoài ra, người đàn ông có thể bị tổn thương tâm lý bên trong như từng bị coi thường, sỉ nhục… hoặc sau này lớn lên trong cuộc đời có những lúc họ bị tổn thương từ người khác nên họ trút giận vào những người gần gũi nhất với mình. Ở đây đối tượng dễ trút giận nhất là vợ con.
+ Thứ 3, người đàn ông bây giờ sử dụng chất kích thích như rượu, bia… nhiều. Những chất kích thích này làm họ mất kiểm soát, cho nên sau những lần dùng chất kích thích … họ dễ nổi khùng, mất kiểm soát nên đánh đập vợ con. Đây là nguyên nhân khá phổ biến dẫn tới các vụ bạo hành trong gia đình.
+ Thứ 4, có thể người đàn ông gặp khó khăn trong công việc, kinh tế, áp lực trong cuộc sống thường nhật mà không có giải tỏa được ở bên ngoài. Về nhà họ dễ bức bối, trút giận lên vợ con. Điều này cũng bắt nguồn từ nguyên nhân thứ nhất, họ coi thường phụ nữ nên lấy cớ đánh vợ.
+ Thứ 5, do những xung đột trong quan hệ vợ chồng khiến họ bùng nổ cơn giận, và cả giận mất khôn mất kiểm soát hành vi nên họ đã đánh vợ…
Nhưng tất cả các nguyên nhân trên đều không bao giờ được là cớ để đánh vợ vì thân thể mỗi người, của bất kỳ ai cũng cần được tôn trọng, không ai có quyền đánh ai.
Phụ nữ cần biết nói không với bạo lực
Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy cũng cho rằng, các nguyên nhân này đều liên quan đến nhau, trong đó nguyên nhân bề mặt ở những người chồng vũ phu là do họ thiếu kiềm chế bản thân. Giải pháp đặt ra là người đàn bà cần học cách tự vệ. Khi người đàn ông nổi nóng, có biểu hiện bạo lực, phụ nữ cần biết bảo vệ an toàn của mình và con cái mình trước tiên, đừng đôi co hay tranh đua hiếu thắng lúc đó. Nạn nhân nên tránh đi để hai bên "hạ hỏa" rồi mới nói chuyện giải quyết vấn đề mâu thuẫn.
Người phụ nữ cũng cần phải có tư tưởng độc lập, tôn trọng cơ thể của mình, nói không với bạo lực. Khi vợ chồng bình tĩnh cần nói rõ quan điểm "Tôi không chấp nhận anh đánh tôi, có chuyện gì thì cùng nhau giải quyết. Nếu không ở được thì cùng nhau ly hôn chứ việc đánh là không chấp nhận được".
Theo Phương Thuận/Gia đình xã hội