Nên duyên từ thời tay trắng
Minh Hoa (26 tuổi, quê Hải Phòng) quen Mạnh Sơn (25 tuổi, quê Nam Định) khi chung lớp học thời sinh viên. Với thành tích học tập tốt, Hoa tốt nghiệp sớm hơn 1 năm so với dự kiến. Thời điểm đó Sơn phải học thêm 1 năm nữa mới ra trường. Kế hoạch cuộc đời họ thay đổi khi Hoa có bầu, cả hai về chung một nhà trong tâm thế hoang mang xen lẫn lo lắng.
"Sáng ngày mình nhận bằng tốt nghiệp thì phát hiện có bầu, lúc đó cũng rất hoang mang, lo sợ. Sơn còn phải đi học thêm 1 năm nữa mới tốt nghiệp, bản thân vừa ra trường, sự nghiệp thì chưa có. Đắn đo sau 3 ngày, Sơn quyết định sẽ nói chuyện với bố mẹ để hai đứa tiến tới hôn nhân", Hoa cho biết.
Thời điểm mới cưới, để tiết kiệm chi tiêu, Hoa và chồng vẫn ở tại nơi từng thuê hồi sinh viên. Đó là dãy nhà trọ cấp 4, sâu trong con ngõ hẹp, chỉ rộng vỏn vẹn 9m2, vừa đủ kê 1 chiếc giường, 1 tủ quần áo. Thậm chí, khu vực nhà vệ sinh bên trong cũng xây dựng theo kiểu cũ, chỗ nấu ăn chung với cả xóm trọ.
|
Vợ chồng Hoa từng ở phòng trọ chỉ vỏn vẹn 9m2 |
Trong suốt thời gian mang bầu, Hoa tiết kiệm chi li từng mớ rau, con cá. Thức ăn được ông bà hai bên hỗ trợ, gửi lên từ quê. Hoa nhớ thời gian mang bầu, cô không dám đi siêu âm màu vì không đủ tiền.
"Mình khám thai theo bảo hiểm y tế nên chưa lần nào dám bỏ tiền siêu âm màu. Khi mang bầu tới tháng thứ 9, tụi mình thuê được căn chung cư giá 3 triệu đồng, với điều kiện trong hợp đồng là khi nào chủ nhà đòi nhà thì phải trả ngay.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc mình sinh bé xong được được 10 ngày thì chủ nhà lấy lại nhà, và tụi mình phải chuyển nhà đi ngay tối hôm đó", Hoa kể.
Sau khi tốt nghiệp, Sơn vào làm nhân viên văn phòng cho một tập đoàn phân phối thực phẩm. Để có tiền trang trải và nuôi con, ngoài giờ, ông bố trẻ tranh thủ nhận giao hàng và chạy xe ôm công nghệ. Hai vợ chồng Hoa cân đối chi phí trong quá trình nuôi con, tiết kiệm tài chính bằng cách săn mã giảm giá.
"Công việc khá nhàn nên chồng mình tranh thủ tìm hiểu và đầu tư chứng khoán. Ngoài ra nếu tháng nào phát sinh thêm tiền con ốm, thuốc, đám cưới,.... anh vẫn tiếp tục chạy giao hàng để có thêm thu nhập.
Thời điểm sinh em bé, mọi thứ từ máy giặt, ti vi, điều hòa, lò vi sóng, bình nóng lạnh đều không có. Mục tiêu ban đầu của cả hai phải mua đủ đồ sinh hoạt trước mắt.
Khoảng nửa năm sau, tụi mình mua đủ đồ và trả góp xong mọi vật dụng. Lúc này chúng mình tiến đến mục tiêu cao hơn là mua nhà", Hoa cho hay.
Công thức "bí mật" giúp mua nhà tuổi 25
Ngoài khoản tiết kiệm cố định hàng tháng, Hoa đặt ra nguyên tắc nhỏ trong việc mua sắm:"Ví dụ mình mong muốn mua món đồ 200 ngàn, mình sẽ suy nghĩ và cân nhắc rất lâu. Khi không mua nữa, thì mình sẽ bỏ tiếp 200 ngàn đó vào khoản tiết kiệm. Cứ như vậy, mình hạn chế được nhiều chi tiêu.
Mình cũng ít mua sắm đồ hãng. Mình sắm cho con 2 - 3 bộ mặc đi chơi, đi tiêm, vì lúc đó con còn nhỏ, ra ngoài ít. Còn lại đồ mặc ở nhà đa phần mình đều mua online, vải cotton, giá giao động chỉ 50 ngàn/bộ nếu biết cách săn sale.
Mình tham khảo hội mẹ bỉm sữa để biết món đồ gì không cần thiết, tránh gây lãng phí. Tiền tiết kiệm chúng mình bỏ một phần mua vàng để gia tăng khoản tiền", Hoa chia sẻ.
Tháng 2/2020, Hoa mang bầu em bé thứ hai. Khi đó, dù cả hai vợ chồng chưa đủ tài chính nhưng cô vẫn quyết định mua lại căn nhà cũ của người quen vì giá khá "mềm".
"Mình vay của họ hàng 500 triệu mới đủ tiền mua nhà chứ cũng đủ hết tất cả. Và tụi mình đã ở căn nhà đó, trong tâm thế không thể sắm sửa gì, cũng giống y như thời trọ: Không sửa sang, không sàn gỗ, không trần, không lắp tủ vì gần như cạn kiệt tài chính", Hoa nhớ lại.
|
Căn chung cư đầu tiên vợ chồng Hoa mua vào năm 2020 |
2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hoa tìm cách cải thiện thủ nhập bằng việc bán hoa quả cho khắp các chung cư trong thời điểm giãn cách. Đến tháng 4/2022, thấy ngôi nhà đang ở bán "được giá", Hoa bàn với chồng thay đổi kế hoạch.
"Mình quyết định bán nhà cũ và tiếp tục mua một căn cũng ở chung cư ở Hà Đông với giá 1,3 tỷ. Nhà mới rộng hơn nhà cũ 10m2 và có thêm 1 nhà vệ sinh, vì nhà cũ có 1 WC cũng khá bí bách.
Thực ra cả hai vợ chồng đều cân nhắc có nên bán để mua chung cư khác hay không. Nhưng kinh tế gia đình ở thời điểm đó khá eo hẹp, cộng với các yếu tố như gần trường mẫu giáo con, gần chợ, gần ga đường sắt trên cao thì mua chung mới là lựa chọn tốt hơn cả".
Mua nhà xong, Hoa bắt tay vào cân đối chi phí sửa chữa. Do chi phí thi công cao nên cả hai vợ chồng đều tự sắm sửa từ chi tiết, từ bồn rửa bát, bóng đèn, cho tới sàn gỗ.
Cô và chồng đã đi 25km ra tận các xưởng ở Hoài Đức, hỏi giá cả từng loại mét gỗ, xem tủ bếp, tủ giường nên tiết kiệm chi phí nhất có thể. Ngay cả sàn nhà, Hoa không thuê trọn gói, mà thuê thợ lẻ, tự mua xốp lẻ, gỗ lẻ. "Chúng mình đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức, lặn lội tới các xưởng, mặc cả để có được mức giá tốt nhất, phù hợp với tài chính", Hoa nói.
|
Hoa bán nhà cũ, mua căn chung cư rộng rãi hơn |
Bước vào căn nhà thơm mùi gỗ mới, từng góc nhỏ đều dồn tâm huyết thiết kế, Hoa hạnh phúc với thành quả mãn nguyện ở tuổi 25. Song, cô cho rằng yếu tố để thành công là tinh thần nỗ lực và sự đồng lòng của hai vợ chồng.
"25 tuổi mà mới có nhà nhỏ ở ngoại thành, xa trung tâm, hơn nữa nợ chưa trả hết thì cũng chưa dám gọi là thành công. Chúng mình là những người rất bình thường, chỉ có điều luôn nỗ lực, cố gắng yêu thương, vun vén cho gia đình thôi.
Lấy nhau hơn 4 năm nhưng hai vợ chồng chưa một lần cãi vã. Chồng là người nấu cơm, rửa bát, chăm sóc con cái đêm hôm ốm đau. Nên với vợ chồng trẻ, nên mua nhà hay không , tuổi nào không quan trọng. Quan trọng, bạn thấy hạnh phúc khi làm việc đó hay không. Thời điểm huê căn nhà trọ chỉ 9m2, chúng mình vẫn rất vui vẻ. Giờ có nhà rồi niềm vui vẫn vậy", Hoa bộc bạch.
Theo Thủy Tiên/phunuvietnam