Theo CNN, tính đến ngày 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận được 550 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ từ Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến thực sự rất khác. Chúng tôi phát hiện tất cả trường hợp trong thời gian tương đối ngắn. Chỉ trong vài tuần, số ca bệnh đã lên tới hơn 550 trường hợp. Đây là điều chưa từng thấy trước đó”.
Thống kê cho thấy ít nhất 30 quốc gia ở 4/6 khu vực của WHO đã phát hiện có dịch. Trong bản báo cáo cập nhật cuối tuần trước, tính đến 26/5, số ca bệnh WHO ghi nhận là 257 trường hợp và khoảng 120 ca nghi ngờ ở 23 quốc gia ngoài châu Phi. Những con số này cho thấy tốc độ lây lan nhanh của bệnh đậu mùa khỉ - căn bệnh vốn được cho là hiếm gặp và khó lây.
Tiến sĩ Lewis cho biết WHO vẫn chưa biết nguồn gốc của đợt bùng phát này và kêu gọi các nước tận dụng “cơ hội” để ngăn chặn các ca bệnh bùng phát thành làn sóng lớn hơn.
Nhóm chuyên gia của WHO nhận định mức độ rủi ro với sức khỏe cộng đồng của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là vừa phải. Đây là lần đầu tiên các trường hợp và cụm dịch được phát hiện cùng lúc ở nhiều khu vực địa lý khác nhau của WHO và không có mối liên hệ dịch tễ học.
Tuy nhiên, báo cáo của WHO cũng nói thêm: “Nguy cơ sức khỏe cộng đồng có thể đáng lo hơn nếu virus này tận dụng cơ hội để trở thành mầm bệnh lây ở người, lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn như trẻ nhỏ, người bị ức chế miễn dịch”.
WHO kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi chặt chẽ những triệu chứng có thể xuất hiện như phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi; đồng thời cung cấp xét nghiệm cho bất kỳ ai có triệu chứng này.
Trong cuộc họp báo hôm 31/5, tiến sĩ Lewis bày tỏ "không lo ngại về một đại dịch toàn cầu" từ bệnh đậu mùa ở khỉ vào lúc này. Theo vị chuyên gia, virus gây bệnh không mới nhưng WHO sẽ họp trong tuần này để thiết lập chương trình nghiên cứu và các ưu tiên nghiên cứu với virus.
Chủng virus gây đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có thể gây tử vong với tỷ lệ nhỏ. Song, chưa có ca tử vong nào trong đợt bùng phát này được báo cáo. Hầu hết ca bệnh xuất hiện ở châu Âu mà không phải Trung, Tây Phi - nơi đậu mùa khỉ trở thành bệnh đặc hữu.
Do vậy, các nhà khoa học đang xem xét điều gì có thể giải thích cho sự gia tăng bất thường này. Trong khi đó, các cơ quan y tế công cộng nghi ngờ có sự lây truyền từ cộng đồng ở một mức độ nào đó. Một số quốc gia đã bắt đầu tiêm vaccine cho những ca tiếp xúc gần người bệnh.
Theo Thiên Nhan/Zing