Đó là ca bệnh có vòng xoắn bệnh lý phức tạp nhất trong hàng ngàn bệnh nhân gút bị biến chứng nghiêm trọng đã được Viện Gút quản lý theo mô hình điều trị ngoại trú biến chứng của bệnh gút và giai đoạn nặng của nhiều căn bệnh mạn tính có liên quan kèm theo.
|
Viện Gút đã triển khai mô hình điều trị ngoại trú biến chứng của bệnh gút và giai đoạn nặng của nhiều căn bệnh mạn tính có liên quan kèm theo.
|
Thông tin trên đã được các chuyên gia về gút báo cáo tại buổi tổng kết 5 năm hợp tác (6/2017-7/2022) giữa Viện Gút tại TP HCM cùng Trường đại học Paris Cite (Pháp) và Trung tâm Y Sinh học Phân tử - Đại học Y Dược TP HCM.
Theo ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút, mô hình điều trị đã tháo gỡ được những khó khăn bế tắc trong điều trị cho nhiều bệnh nhân có vòng xoắn bệnh lý vô cùng phức tạp ở giai đoạn nặng của rất nhiều căn bệnh mạn tính có liên quan với nhau, thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau (nhiều nhất là 6 chuyên khoa).
Các bệnh nhân tham gia mô hình này sẽ được phối hợp nhiều phương pháp điều trị: thuốc tân dược, can thiệp bằng ngoại khoa, can thiệp dinh dưỡng, biện pháp hỗ trợ từ cây dược liệu và tuân thủ chế độ lao động sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi
Qua đó, Viện Gút đã giúp bệnh nhân hạ và duy trì nồng độ acid uric, làm tan hết tinh thể muối urat lắng đọng trên mặt sụn khớp, nguyên nhân gây ra các cơn viêm đau khớp gút cấp; làm tiêu hết các u cục tophi nguyên nhân gây tiêu hủy gân, tiêu hủy khớp. Bệnh nhân hết tái phát các cơn viêm đau khớp gút cấp, hết tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gút nên được coi là “khỏi bệnh”.
Các chuyên gia cũng đã ghi nhận hiệu quả của mô hình điều trị này trong việc giúp cho một số bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối đã có có chỉ định chạy thận thoát ra khỏi tiêu chuẩn phải chạy thận nhân tạo và chủ động kéo dài thời gian chưa phải chạy thận nhân tạo.
Mô hình quản lý bệnh nhân này cũng đã giúp một số bệnh nhân suy tim mạn tính độ 3 giảm được độ suy tim; một số bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối đã có biến chứng cổ trướng hết biến chứng cổ trướng và giảm được độ xơ cứng của gan từ F4 về F3, F2, F1…
|
Ông Nguyễn Đình Quang - Chủ tịch Viện Gút hướng dẫn GS Christine - Chủ tịch ĐH Paris 7 thăm Viện Gút. |
Từ đó, Viện Gút đã tiến đến phát triển và hoàn thiện mô hình quản lý điều trị ngoại trú cho một số trường hợp bệnh của xơ gan giai đoạn cuối và vòng xoắn bệnh lý phức tạp của xơ gan với giai đoạn nặng của nhiều căn bệnh mạn tính có liên quan kèm theo (trong đó có bệnh gút).
GS Thomas Bardin, ĐH Paris Cite của Pháp, chuyên gia thế giới về bệnh gút cùng các cộng sự ở ĐH Paris Cite, Đại học Y Dược TP HCM và Viện Gút công bố nhiều nghiên cứu thực hiện ở Viện Gút TP HCM trong Hội nghị thường niên Hội thấp khớp học Mỹ (ACR) 2020…
Bao gồm điều trị ca gút nặng bằng allopurinol tại Việt Nam theo khuyến nghị của EULAR được thực hiện trên 100 bệnh nhân; mô hình tủy thận tăng âm lan tỏa trong bệnh gút: nghiên cứu cắt ngang trên 503 bệnh nhân; kết quả điều trị cho những bệnh nhân gút bị biến chứng nghiêm trọng…
Theo PGS.TS.BS Đỗ Đức Minh, Trung tâm Y Sinh học Phân tử, ĐH Y Dược TP HCM, đơn vị đã tham gia các nghiên cứu lâm sàng cùng Viện Gút TP HCM và ĐH Paris Cite (Pháp). Các hướng nghiên cứu đang được thực hiện: Vai trò của một số gen tiềm năng trong bệnh gout; Vai trò của yếu tố di truyền trong đáp ứng với các loại thuốc điều trị hạ acid uric máu.
Các đối tượng thực hiện đều là người Việt Nam, có những đặc trưng di truyền nhất định; do vậy các kết quả của nghiên cứu không chỉ đóng góp về ý nghĩa khoa học mà còn giúp ích cho quá trình thực hành lâm sàng tốt hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bị bệnh gút:
An Quý