Nguyên nhân mắc bệnh rối loạn tiền đình
Nguyên nhân thường gặp nhất của rối loạn tiền đình là thiếu máu não và các nguyên nhân khác như nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sọ não… Thiếu máu não là do động mạch mang máu đến nuôi não bị thiểu năng bởi tình trạng xơ vữa, huyết áp thấp, thoái hóa cột sống cổ làm chèn ép mạch máu khiến não không được cung cấp đủ lượng máu.
Ngoài ra, hội chứng stress (lo lắng, căng thẳng, mất ngủ…) cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra rối loạn tiền đình. Stress khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hoocmon Cortisol gây ra một loạt các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… gây tổn thương hệ thống thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 8. “Con đường” truyền dẫn truyền thông tin này bị “hư hại” khiến hệ thống tiền đình nhận được thông tin không chính xác và hoạt động không đúng yêu cầu, dẫn đến rối loạn tiền đình.
|
Ảnh minh họa. |
Ai dễ mắc rối loạn tiền đình?
Rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến do môi trường sống ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm nhiễm độc, tâm lý căng thẳng... Rối loạn tiền đình thường gặp ở các đối tượng:
Người chịu áp lực công việc lớn, phải ngồi lâu trước máy vi tính như nhân viên văn phòng, người lao động trí óc, học sinh, sinh viên…
Người bị thiếu máu: thiểu năng tuần hoàn não, phụ nữ sau sinh, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, thiếu máu sau chấn thương…
Người có nồng độ cholesterol trong máu cao như bệnh nhân máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch.
Người bị mắc các bệnh về thần kinh: Viêm dây thần kinh, u dây thần kinh, viêm tai giữa, mắt, tâm thần…
Người bị huyết áp thấp, huyết áp cao.
Người sử dụng nhiều bia, rượu; nhiễm độc thuốc hoặc hóa chất.
Người bị tổn thương hệ xương: viêm khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Người già, các cơ quan bị suy yếu, lão hóa.
Người quan hệ tình dục không đều đặn.
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm đến tính mạng?
Bệnh rối loạn tiền đình không gây ra những hậu quả quá nguy hiểm nhưng lại khiến cho cuộc sống của người bệnh trở nên mệt mỏi và chán nản.
Rối loạn tiền đình không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do bệnh rối loạn tiền đình gây ra là có thể gây đột quỵ do máu ít được lưu thông lên não, nhất là trường hợp đi kèm các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…
Do đó khi gặp phải các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Điều trị, phòng ngừa rối loạn tiền đình
Theo bác sĩ Đặng Hồng Tú - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Tâm Bình (TPHCM), những người trẻ nên giảm bớt áp lực công việc, tập thói quen thả lỏng cơ thể ít phút trong thời gian dài làm việc mỗi ngày, ngồi đúng cách và dần dần điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho đúng. Bên cạnh đó, phải có chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng 1,5 - 2 lít); tránh các loại thực phẩm chứa lượng đường và muối cao; tránh các loại đồ uống có chứa chất kích thích; nên ăn thức ăn giàu a xít folic, thực phẩm nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin B6, C, D và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, cân bằng tâm trí để điều chỉnh lối sống sinh hoạt tích cực.
Người bệnh cần ý thức phối hợp với bác sĩ trong điều trị. Thuốc có tác dụng điều trị những cơn cấp tính thoáng qua, điều hòa tuần hoàn não, thông thường chỉ điều trị trong 3 - 5 ngày là dứt điểm. Nhưng cần phối hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để hiệu quả lâu dài và tránh tái phát trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, việc mát xa, thư giãn... sẽ giảm tình trạng chèn ép mạch máu nuôi não dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn”.
Ngoài ra, có một cách điều trị cực kỳ đơn giản mà hiệu quả, đó là mỗi tối trước khi đi ngủ người bệnh có thể ngâm chân bằng nước nóng ở nhiệt độ khoảng 40 độ thêm vài lát gừng sau đó ngâm chân khoảng 20 phút với tác dụng giúp làm lưu thông máu, giảm mệt mỏi và ngăn ngừa chóng mặt rất hiệu quả.
Theo Giadinh.net