Bệnh tật vào mình vì bao cao su giả... bán theo kg

Google News

 
Dù đã cẩn thận dùng bao cao su (BCS), nhưng do mua phải BCS giả nên không ít người đã gánh hậu quả đau lòng.

Bao cao su giả vào nhà nghỉ
Ngày 12/1, Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội bắt hàng trăm tấn hàng giả được tuồn về Thủ đô, trong đó có hơn 1 tấn bao cao su giả, trên vỏ bao ghi nước sản xuất là Malaysia nhưng xuất xứ từ Trung Quốc. Theo các “đầu nậu”, số BCS này sẽ được bán cho các nhà nghỉ theo... kg. Trước đó, tháng 7.2015, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng bắt giữ gần 700.000 BCS giả mạo xuất xứ hàng hoá.
Benh tat vao minh vi bao cao su gia... ban theo kg
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 14 kiểm tra và niêm phong lô hàng bao cao su giả. Ảnh: Hưng Đạt 
Đọc tin, anh Trần Văn Hưng (Linh Đàm, Hà Nội) thấy giật mình. Cách đây 3 tháng, trong một lần liên hoan, anh đã cao hứng theo bạn bè đi mua dâm. “Bãi đáp” là một nhà nghỉ với giá 70.000 đồng/giờ. Cho dù đã có hơi men nhưng anh vẫn tỉnh táo phòng ngừa bằng cách dùng BCS do nhà nghỉ cung cấp. Nhưng trong quá trình “hoạt động”, anh đã phát hiện “tường lửa” bị rách. Tuy chột dạ nhưng cô gái cam đoan “em mới vào nghề, không có bệnh” nên anh cũng chủ quan.
Nào ngờ, chỉ hơn 1 tuần sau, “vùng tam giác” của anh Hưng bị ngứa ran, sau vài ngày xuất hiện các chấm đỏ, rồi nổi thành mụn nước, lở loét. Anh Hưng còn bị sốt, nhức xương, đau cơ và đi tiểu buốt. Dù xấu hổ nhưng anh Hưng cũng đành “bịt mặt” đi khám bệnh. Bác sĩ cho biết, anh bị mắc bệnh mụn rộp sinh dục, hậu quả của lần quan hệ với cô gái “mới vào nghề” nhưng “áo mưa” lại rách.
Đáng tiếc, chuyện xấu của anh Hưng không giấu được khi vợ anh cũng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tương tự. Nhưng chị bị các triệu chứng mụn rộp rất nặng, sự đau đớn, khó chịu cũng nhiều hơn. Truy được nguồn gốc lây bệnh của chồng, chị đã mang con về nhà bố mẹ ở. Đã gần tết mà anh Hưng vẫn chưa có cách nào làm vợ nguôi giận để gia đình sum họp.
“Giờ đọc tin về BCS giả tràn vào nhà nghỉ tôi mới giật mình. Có lẽ tôi cũng đã gặp hoạ vì dùng phải BCS giả. Nhưng cũng chỉ trách bản thân mình đã không đủ tỉnh táo mà thôi” – anh Hưng buồn chán.
“Hàng xịn” như thật
Cũng là nạn nhân của BCS giả, chị Đinh Hoàng Anh (Lĩnh Nam, Hà Nội) cho biết, chồng chị cũng “sành điệu” khi lựa chọn hẳn sản phẩm Durex siêu mỏng với giá 50.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, đến khi “kết thúc”, chị phát hiện BCS đã rách. Chị phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Hai vợ chồng chị chỉ nghĩ do mình “hoạt động” quá mạnh. Nhưng đến lần thứ 2 “gặp họa”, phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp 2 lần/tuần, chị Hoàng Anh mới xem lại “sản phẩm xịn” mà chồng mua. Nhìn vỏ BCS không phát hiện ra bất cứ sự giả mạo nào. Nhưng khi tra trên mạng, nhìn vào vỏ bao Durex thật, vợ chồng chị mới biết mình mua phải hàng giả.
Chồng chị cho biết mua BCS này tại một cửa hàng thuốc. “Do xấu hổ nên người ta đưa cho thì giấu ngay vào túi, ai mà còn mang ra săm soi để biết thật giả nữa” – chồng chị Anh bực tức.
Theo ông Mai Trung Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), sử dụng phải BCS giả gặp rất nhiều nguy cơ về mặt sức khoẻ. “BCS phải đạt chất lượng quy định mới có thể đảm bảo an toàn tránh thai, tránh bệnh lây truyền tình dục, đem lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Còn BCS giả độ co giãn kém nên dễ rách, nguy cơ mang thai, mắc bệnh tình dục rất lớn. Chưa kể, người sử dụng còn dễ bị dị ứng, viêm nhiễm, ngứa ngáy do chất lượng cao su không tinh chất, chất bôi trơn không đảm bảo”.
“Yếu” thực hành
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số-KHHGĐ năm 2013, trên thị trường Việt Nam có khoảng 30 loại BCS khác nhau với nhiều xuất xứ như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật, Đức… và cũng có nhiều loại không xuất xứ. Giá BCS dao động từ 1.500-30.000 đồng/chiếc. Một nghiên cứu tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy, 26% số BCS bán ngoài thị trường không đạt chất lượng.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình năm 2013, trên thị trường Việt Nam có khoảng 30 loại BCS khác nhau với nhiều xuất xứ như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật, Đức… và cũng có nhiều loại không xuất xứ. Giá BCS dao động từ 1.500-30.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, TS Dương Văn Đạt – Trưởng Bộ phận sức khỏe sinh sản (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam- UNFPA) cho biết, theo báo cáo mới đây nhất của UNFPA, 47% số BCS bán trên thị trường Việt Nam là hàng giả, hàng kém chất lượng. Số liệu này không bao gồm BCS do Bộ Y tế quản lý. Tuy nhiên, có đến 85% BCS bán ở thị trường tư nhân, vì vậy, nguy cơ người dân, đặc biệt là các bạn trẻ mua phải BCS rởm là rất lớn.
Một nghiên cứu tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy, 26% BCS bán ngoài thị trường không đạt chất lượng. Các sai sót chất lượng của các lô BCS này là thủng lỗ, sai kích thước, chất bôi trơn không đạt, test nổ (độ đàn hồi) không chuẩn.
Theo ông Đạt, không chỉ dễ mua phải BCS rởm mà nhiều nam thanh niên cũng chưa biết “mặc áo mưa” đúng cách. “Áo mưa” không phải cứ “trùm kín” là tránh thai, tránh bệnh mà còn phải mặc đúng lúc, đúng cách, rút ra cũng đúng cách mới tránh được thai. Việc để BCS ở những nơi quá kín đáo nhiệt độ cao, không chú ý đến thời gian sử dụng cũng khiến chất lượng BCS xuống cấp, dễ rách, thủng.
Chiến lược kiểm soát bao cao su
Ngày 15.1, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Bộ Y tế đã có một chiến lược để kiểm soát chất lượng BCS.
Theo ông Tân, hiện nay, BCS vẫn được quy định là hàng hoá thông thường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ nên không phải chịu kiểm duyệt về chất lượng.
Điều đó cũng khiến BCS trở thành hàng hoá dễ làm giả, làm nhái có xuất xứ yếu ở Trung Quốc “tràn” vào Việt Nam. BCS cũng đa dạng về mẫu mã với đủ các hình dáng bắt mắt, có mùi, lại có bi, có gai để tăng cảm xúc. Tuy nhiên, về chất lượng không ai kiểm soát.
Theo ông Tân, không chỉ BCS mà nhiều sản phẩm khác như miếng dán tránh thai, kem bôi trơn… phục vụ đời sống tình dục vẫn bị coi là hàng hoá loại 1, không bị kiểm soát chất lượng. Trong khi chúng có tác động rất lớn đến sức khoẻ con người. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư, đưa các loại phương tiện tránh thai như bao cao su, miếng dán, kem... vào danh mục hàng hóa loại 2 – là loại hàng hóa phải kiểm soát chất lượng vì có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Hiện nay, thông tư này đang nằm trên bàn của Cục Khoa học công nghệ - Bộ Y tế để ghép chung vào một thông tư với nhiều loại hàng hoá khác” – ông Tân cho biết.

Theo Dân Việt