Bi hài khi F0 đông hơn F1 trong gia đình

Google News

“Ba mẹ con bị mắc COVID-19 nhưng vẫn trêu đùa với bố là F1 đang phải cách ly trong phòng là trông không khác gì "công chúa" trong cấm cung”, chị T.H chia sẻ.

Bi hai khi F0 dong hon F1 trong gia dinh
F1 duy nhất trong gia đình tỏ ra rất độc lập, lạc quan. Ảnh NVCC 
F1 âm thầm chịu đựng
Gia đình chị T.H có hai con nhỏ, cháu lớn học lớp 1, còn cậu con trai thứ hai mới 3 tuổi. Con gái đi học trực tiếp trở lại chưa được bao lâu thì chị H nhận được thông tin thầy giáo dạy lớp học dương tính COVID-19. Sau đó, gia đình chị tự theo dõi sức khoẻ tại nhà.
Chị H chia sẻ: “Mỗi lần chờ kết quả tự test nhanh COVID-19 cho con, tôi đều thấy rất hồi hộp. Hai ngày sau khi đến trường, con gái tôi test nhanh đã lên hai vạch”.
Chứng kiến lúc đó, chị H cũng sững sờ. Chị lo sợ cho hai con vô cùng vì các bé chưa được tiêm vaccine. Sau đó, chị H cũng tìm hiểu nhiều tình huống diễn biến sức khoẻ khi mắc COVID-19 với trẻ em. Chị cầu mong các con ít triệu chứng và sớm vượt qua được dịch bệnh.
“Sau khi con lớn bị dương tính với COVID-19 thì cũng lây sang em. Sau đó là đến lượt tôi cũng “dính”. Hiện, gia đình duy nhất có chồng tôi vẫn là F1. Vì vậy, anh ấy phải tự cách ly một phòng riêng” - chị H nói.
Rất may, hai con của chị H chỉ sốt một đêm. Sau đó, các triệu chứng của COVID-19 biểu hiện rất ít khiến chị H cũng thở phào được phần nào.
Chị H cho rằng: “Nhà có trẻ con không thể bắt các cháu ở mãi trong phòng được. Các cháu cũng phải vui chơi, chạy nhảy, đi lại trong nhà. Vì vậy, dù chồng tôi là F1 nên cũng phải hi sinh tự cách ly phòng riêng”.
Bi hai khi F0 dong hon F1 trong gia dinh-Hinh-2
 Thuốc dự trữ trong nhà chị H. Ảnh NVCC.
Ba mẹ con chị H có thể “tung tăng” đi lại, xem tivi, tưới cây, ngắm hoa trong nhà. “Dù chồng tôi có bị bức bối nhưng cũng không dám kêu ca gì, phải âm thầm chịu đựng” – chị H nói.
Mỗi ngày, chị H sẽ nấu nướng phục vụ cả nhà ăn uống. Trong đó, chị chia sẵn đồ ăn cho chồng là F1 ra một khay riêng. Mỗi sáng chồng chị phải tự test nhanh COVID-19 và thông báo kết quả qua tin nhắn cho vợ.
“Không ngờ có một ngày COVID-19 cũng ghé thăm đến gia đình mình. Cũng may mắn, triệu chứng mọi người gặp phải cũng khá nhẹ nhàng. Đến nay, chồng tôi là F1 cũng được 6 ngày âm tính liên tiếp. Dù ở trong hoàn cảnh trớ trêu nhưng cũng có nhiều pha cười ra nước mắt” - chị H kể.
Ở chung nhà vẫn gọi Zalo
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Thanh Ngân (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có 4 người thì chồng tôi phát hiện ra F0 từ sáng 16.2. Trước đó chồng tôi có triệu chứng rát họng, và công ty yêu cầu test nhanh COVID-19 trước khi đi làm thì đã lên 2 vạch”.
Đến ngày thứ ba chị Ngân và con út bị mắc COVID-19. Vì vậy, con trai lớn của chị là người duy nhất trong nhà vẫn âm tính.
Chị Thanh Ngân tức tốc dặn con trai chuẩn bị quần áo, toàn bộ đồ dùng sinh hoạt cũng như đồ dùng học tập vào một phòng riêng biệt thực hiện cách ly.
Chị này cho biết, những người cùng bị mắc COVID-19 trong gia đình thì dễ dàng hơn, đều có thể ăn uống, sinh hoạt chung. Còn con lớn là F1 cách ly phòng riêng nên chị rất cẩn trọng, tránh lây chéo.
Đến bữa ăn, chị sẽ mang cơm để ngoài cửa cho con trai. Mấy ngày nay Hà Nội trở lạnh, không thể mở cửa sổ phòng được, chị Ngân lo lắng sợ virus xâm nhập vào phòng mỗi khi mở cửa lấy đồ ăn.
Con trai của chị vẫn sinh hoạt và học tập bình thường. Hằng ngày, cháu vẫn học online theo lịch của nhà trường.
“Những lúc rảnh rỗi, cả nhà lại gọi điện Zalo để động viên nhau cùng cố gắng, tâm lý thoả mái. Ngoài ra, con trai lớn của chị thường xuyên gọi cho ông, bà ở quê. Nhờ đó, mà con không bị buồn chán” – chị Ngân nói.
Hiện, chị Thanh Ngân mong muốn COVID-19 qua nhanh, để gia đình chị sớm trở lại nhịp sống bình thường.
Trường hợp của chị H, chị Ngân là hai trong số rất nhiều gia đình đang thực hiện điều trị F0 tại nhà. Theo thống kê đến sáng 16.1, Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 59.795 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó theo dõi cách ly tại nhà là 48.967 trường hợp.
Theo Anh Thư/Lao Động