Bạn bè nghe tin tôi đi gặp mặt nhà trai thì đùa: “Cố lên, để xem Tết trung thu năm nay có được ăn bánh trung thu nhà chồng không nhé!”. Vốn chuyện hôn nhân bị muộn hơn so với người ta, lại bị câu kích đó, tôi càng muốn lấy chồng thật nhanh. Bởi thế, quen anh mới vẻn vẹn 40 ngày tôi đã quyết định cưới.
|
Cuộc sống của tôi cứ lặng lẽ suốt thời gian dài - Ảnh minh họa |
Lấy nhau chưa được bao lâu thì anh vào Đà Nẵng làm, thỉnh thoảng mới về nhà một lần. Vợ chồng người ta lâu ngày gặp nhau thường rất tình cảm, đằng này anh luôn lạnh nhạt với tôi. Tôi là người khô khan, không khéo ăn khéo nói nên không được lòng mẹ chồng. Tôi chỉ còn biết làm tròn bổn phận của mình, ở nhà chăm chỉ làm việc, chăm sóc bố mẹ chồng. Con đầu lòng của chúng tôi là con gái. Mẹ chồng lại là người có tư tưởng trọng nam kinh nữ nên bà tỏ rõ thái độ không thích. Thời gian tôi ở cữ bà chẳng màng bất cứ việc gì. Anh giặt tã lót mãi cũng chán liền bảo tôi đưa con cho bà bế. Tôi không dám, ngồi đó khóc. Mẹ chồng nghe liền mắng: “Khóc gì mà khóc, tôi có bắt nạt cô đâu”. Sau đó, mỗi khi giặt đồ cho cháu là bà nhiếc móc tôi. Khi con gái đầy tháng thì anh lại vào Đà Nẵng làm cho đến Tết. Cậu con trai thứ hai chào đời thì anh cũng đi như vây. Mối quan hệ của mẹ chồng nàng dâu chúng tôi luôn căng thẳng, dù đứa thứ hai là con trai nhưng bà cũng không vui vẻ gì hơn. Đôi khi tôi nghĩ hay là do tôi sợ ế nên mới nhanh chóng lấy chồng để rồi nhận lấy kết cục là không có được tình yêu thương như thế này.
Người chồng vô trách nhiệm
Con trai được 3 tuổi thì anh trai tôi giúp chồng tôi tìm một công việc khác ở gần nhà hơn. Những tưởng mọi chuyện sẽ được cải thiện nhưng làm chưa được một năm thì anh bị đuổi việc vì tác phong làm việc không tốt. Sau đó anh lại vào Đà Nẵng.
Hơn 10 năm sau đó, mỗi năm anh chỉ về nhà một lần vào dịp Tết, xem ra công việc có vẻ bận nhưng tiền gửi về nhà chẳng được bao nhiêu. Mọi thứ trong nhà và tiền nuôi con đều do tôi làm ra cộng với sự trợ giúp của nhà ngoại. Tôi mệt thì chẳng nói làm gì, nhưng con cái luôn phải sống cuộc sống thiếu cha. Vì con, nhiều lần tôi bảo anh về nhưng anh vẫn “án binh bất động”. Sau đó nghe bạn bè xì xào, trong đó anh có người chăm sóc, họ khuyên tôi vào đó bắt anh về.
Rồi tôi cũng vào đó với anh 2 tháng thì vô tình phát hiện anh có giấu một khoản tiền riêng, hỏi thì anh bảo giữ để hút thuốc, nhưng hút thuốc thì đâu cần nhiều tiền như vậy. Chúng tôi cãi nhau. Lần đầu tiên tôi cãi nhau với anh, anh cũng ra tay đánh tôi. Đánh mệt rồi anh mới chịu dừng tay, những vết thương trên mặt tôi cho đến bây giờ vẫn còn để lại dấu tích. Hôm sau, anh biến mất cùng toàn bộ số tiền, điện thoại cũng tắt. Vài ngày sau, một người đồng hương đã nhìn thấy anh và kể về tình hình mặt mũi của tôi thì anh mới quay lại. Sau chuyện đó, chúng tôi trở về quê nhưng chỉ được vài tuần, anh lại trở vào Đà Nẵng.
Một thân ở nhà nuôi con, làm đủ thứ việc, tôi chưa bao giờ biết đến một giấc ngủ ngon. Ngoài việc nhà nông, đội xây dựng xã cần lao động tôi cũng đi.
Một hôm anh gọi điện về nhà, do gọi nhầm số nên có một giọng nam trả lời, họ nói anh ta gọi nhầm số, anh tắt máy gọi lại cho tôi thì đúng lúc tôi tắt máy. Anh ta một mực quy cho tôi là phản bội anh ta đi với người khác, bắt tôi phải ly hôn. Giằng kéo mãi cuối cùng chúng tôi có nửa năm để hòa giải, nhưng anh ta không cho tôi ở nhà mà đuổi tôi đi.
Ra đi với tay trắng cùng hai đứa con đang tuổi ăn học, tôi cảm thấy mình thất bại hoàn toàn, tôi hiểu rằng nguyên nhân lớn nằm ở sự yếu mềm và dung túng của tôi. Có lẽ ngay từ đầu giữa chúng tôi đã không có nền tảng tình cảm, tình yêu đã bay đi khó lòng có thể lấy lại. Nếu sớm nhìn thẳng vào cuộc sống của chính mình, điều chỉnh trạng thái gia đình thì tôi đã không rơi vào bi kịch để mình và các con phải khổ sở thế này.
Theo Yến Nhi/PNVN