Bí mật khiến nCoV đánh bại hệ miễn dịch và gây tử vong

Google News

Chuyên gia Ireland phát hiện virus corona tương tự nCoV có thể vô hiệu hóa interferon khiến hệ miễn dịch không ngăn chặn và tiêu diệt được "kẻ lạ mặt xâm nhập".

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Virus số tháng 4, các nhà khoa học của Đại học Trinity, Ireland, đã làm sáng tỏ những bí mật giúp nCoV đánh bại hệ miễn dịch của con người, khiến một số F0 rơi vào nguy kịch hoặc thậm chí tử vong.

Tiến sĩ Nigel Stevenson, chuyên gia về miễn dịch học, virus ở Đại học Trinity, và cộng sự đã tìm ra cách SARS và MERS ngăn chặn cảm ứng của các protein kháng virus, từ đó, hệ miễn dịch bẩm sinh phản ứng chậm chạp trước virus xâm nhập.

Virus corona gây SARS và MERS xuất hiện vào năm 2002, 2012. Cả hai đều gây nguy cơ tử vong cao hơn Covid-19 với tỷ lệ lần lượt là 10% và 40%. Song, số lượng người nhiễm 2 bệnh này thấp hơn rất nhiều (lần lượt khoảng 10.000 và 3.000 ca).

Mặc dù khác nhau, hai virus corona này có nhiều điểm tương đồng với SARS-CoV-2, do đó, việc phác thảo cách chiến đấu của chúng sẽ mang tới những hiểu biết quan trọng về phương án điều trị Covid-19 và những virus corona chưa xuất hiện.

Tiến sĩ Stevenson và cộng sự phát hiện ra rằng virus gây SARS và MERS có các protein đóng vai trò như chìa khóa kháng lại interferon. Tế bào sản sinh ra interferon khi chúng phát hiện kẻ xâm nhập. Interferon ra lệnh cho các tế bào bị nhiễm bệnh phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách giữ virus bị mắc kẹt trong các ống nội tạng. Interferon cũng phát tín hiệu cảnh báo đến các tế bào lân cận chưa bị nhiễm bệnh để chúng thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Tuy nhiên, ở virus corona, các protein gai của chúng ngăn chặn interferon làm điều này. Kết quả là virus nhân lên nhanh chóng mà không được phát hiện hay ngăn chặn.

Theo thời gian, con người tiến hóa để chống lại sự lây nhiễm virus bằng cách tạo ra các phân tử Interferon. Khi gặp virus, cơ thể sản xuất ra interferon, kích hoạt khả năng kháng virus trong tế bào. Từ đây, interferon chuyển đổi hàng trăm gene chống virus, tạo ra hàng loạt protein tiêu diệt kẻ lạ mặt. Như vậy, interferon đã can thiệp vào vòng đời của virus.

“Tuy nhiên, virus theo thời gian cũng phát triển để ngăn chặn và né tránh các phản ứng miễn dịch của vật chủ. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích tìm hiểu cách virus ngăn phản ứng của interferon. Hiện tại, chúng tôi phát hiện SARS và MERS ngăn chặn các protein quan trọng được kích hoạt, từ đây xâm nhập vào trong nhân tế bào cơ thể người”, TS Stevenson nói thêm.

Từ những kết quả này, vị chuyên gia đặt kỳ vọng có thể thiết kế ra các loại thuốc mới ức chế khả năng vô hiệu hóa interferon của virus, giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

“Nhờ sự tương đồng của các corona, chúng ta sẽ có loại thuốc chống lại tất cả chủng virus này”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Bảo Hân/Zing