Tại trung tâm ADN, không hiếm gặp một cô vợ đi xét nghiệm xem chồng có phải “chính chủ” của các con mình hay không. Có cô xét nghiệm cả ba con đều không có đứa con nào của chồng. Những câu chuyện như thế, nếu khéo “bưng bít”, có thể gia đình vẫn giữ được sự ấm êm, còn nếu “vỡ lở”, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Theo chị Nguyễn Hải Yến, nhân viên thu mẫu tại trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền cho biết, trường hợp phụ nữ tự đưa con hoặc vác bụng bầu đi xét nghiệm ADN để xác minh bố sinh học chiếm tới khoảng 1/3 tổng số ca nhận xét nghiệm.
Xếp hàng chọn bố
Một người đàn ông tóc đã hoa râm và một cô gái trẻ bước xuống từ chiếc ô tô sang trọng đã mang đến câu chuyện bi hài.
Người đàn ông muốn làm xét nghiệm quan hệ bố con với đứa bé còn bọc trong tã lót trên tay cô gái trẻ.
Ông là một doanh nhân thành đạt đất Hà thành, có một gia đình được cho là lý tưởng trong mắt mọi người. Sau một lần trót say rượu, ông tỉnh dậy trên giường của cô nhân viên trẻ, vài tháng sau nhận được tin làm bố. Vốn là người đã có gia đình, vợ ông lại tính “Hoạn Thư”, ông bị cô gái tống tiền. Mỗi tháng, ông "ngậm bồ hòn làm ngọt" chu cấp đều đặn cho cô gái trẻ chi tiêu không phải suy nghĩ.
Một ngày, ông thỏa thuận cho cô gái một số tiền lớn để ép cô đưa con đi xét nghiệm ADN. Cô nhân viên cũng vui vẻ đồng ý vì đúng hay sai vẫn được một “món hời” bỏ túi. Kết quả cho thấy ông ta không phải bố của đứa trẻ. Ông mừng lắm khi thoát được một “cục nợ”.
Về phần cô gái, sau khi rời khỏi trung tâm xét nghiệm, cô ta gọi điện lại trung tâm, trình bày rằng, ngày mai sẽ dẫn người yêu cũ tới làm xét nghiệm, hy vọng trung tâm sẽ coi như đây là lần đầu tiên cô tới trung tâm.
Câu chuyện khiến ThS. Nguyễn Thị Nga (Giám đốc trung tâm Phát triển ADN & Công nghệ Di truyền) phải suy nghĩ: “Không biết còn bao nhiêu anh chàng tiếp theo sẽ bị cô gái trẻ trung và xinh đẹp này cho chui vào bẫy tình?”.
Nếu vị đại gia kia không lực chọn xét nghiệm ADN, có thể ông đã phải nuôi “con tu hú” cả đời.
|
ThS. Nguyễn Thị Nga (bên trái) và nhân viên thu mẫu Nguyễn Hải Yến đại diện chứng kiến những câu chuyện bi hài ADN tại trung tâm. |
“Tôi đã nuôi con ai?”
Chứng kiến quá nhiều tình cảnh trớ trêu, chị Yến cũng ấn tượng với một câu chuyện khiến chị phải bất ngờ.
Một anh chồng sinh năm 1981 rất yêu thương và tin tưởng vợ mình. Anh có 2 cô con gái, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé 3 tuổi thật xinh đẹp và ngoan ngoãn.
Vợ anh ta là một giáo viên xinh đẹp, có vẻ ngoài hiền dịu, khéo léo, nên được lòng nhiều người. Thời con gái cũng được khá nhiều người theo đuổi, có cả những anh chàng giàu có, nhưng cô chỉ chọn người chồng hiện tại, mức lương trung bình.
Vì vậy, anh ta nhất mực tin tưởng vợ mình, chưa bao giờ trong mắt anh lóe lên sự nghi ngờ. Nhưng mẹ anh thì nghĩ khác, bà bảo, 2 đứa con càng lớn càng không thấy nét gì nhà nội, nên gợi ý bảo anh đi xét nghiệm ADN.
“Con cái, nét đẹp bên ngoài thường là nhận gene từ bố, trí thông minh thì nhận từ mẹ” - mẹ anh thường hay nhắc đi nhắc lại với anh những điều ấy. Chẳng biết mẹ anh bỏ thời gian nghiên cứu trên mạng hay nghe mấy bà hàng xóm xúi vậy, nhưng anh nghe nhiều quá cũng mệt mỏi.
Anh quyết định đưa 2 con gái đi xét nghiệm, mục đích chỉ để lấy kết quả về cho mẹ anh yên lòng, mà hòa hợp hơn với con dâu.
Ngày anh đến lấy kết quả, anh đã suýt không đứng vững, phải khuỵu xuống. Nhận kết quả cả hai đứa trẻ không phải con của mình, anh ta bật khóc nức nở tại trung tâm. Có lẽ, niềm tin yêu của anh dành cho vợ đã bị tổn thương quá nặng.
Cả chiều hôm ấy, anh ta ngồi ở ghế, vò đầu bứt tai: “Tôi đã nuôi con của ai trong suốt thời gian qua?”.
Chính Giám đốc trung tâm và các nhân viên đã phải an ủi anh ta để giảm cơn chấn động.
Trước khi biết sự thật, anh ta đã tin tưởng tuyệt đối vào lòng chung thủy của người vợ, luôn tỏ ra yêu thương và quan tâm tỉ mỉ. Không thể ngờ, đó lại là một cô vợ phản bội. Sau khi biết cả hai đứa con mà anh vẫn bế ẵm, đọc truyện mỗi đêm và đưa đi chơi, từ trước tới giờ, chỉ là anh “nuôi hộ” người khác, không biết trong gia đình sẽ có sự xáo trộn ra sao.
Nhiều khi, sự thật như một “cái tát” đau đớn, khiến người ta tổn thương nặng nề. Khi chưa biết thì khát khao muốn biết, khi biết rồi, có khi lại mong sao mình chưa biết.
Hạnh phúc gia đình sẽ có thể bị tan vỡ sau khi lớp vỏ bọc bị ADN “bóc trần”.
Vì vậy, muốn giữ gia đình, tốt nhất đừng “phạm lỗi” và cố ý che giấu tội lỗi. Khi bức màn bí mật bị vén lên, không gì có thể hàn gắn.
Theo An Nhiên/Người Đưa Tin