Theo BS Nguyễn Phương Thảo, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, mặt bệnh nhi có nhiều nhân trứng cá. Hai bên má có nhiều sẩn viêm, mụn mủ, da dầu, lỗ chân lông to, sẹo lõm, thâm nhiều.
|
Mụn là vấn đề mà các bác sĩ thường xuyên khám, tư vấn cho trẻ ở tuổi dậy thì. Ảnh minh họa |
Do trẻ đến khám trễ, da bị nhiều tổn thương, sẹo rỗ và thâm nên cần điều trị lâu dài.
Mụn ở tuổi dậy thì là vấn đề thường gặp. Trong đó, trứng cá là phổ biến nhất, ngoài ra còn có mụn đầu đen, mụn mủ, mụn viêm...
Đây là giai đoạn các tuyến nội tiết phát triển mạnh, dẫn đến sự tăng sản xuất các nội tiết tố, trong đó có nội tiết tố androgen, làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn cũng như tăng sừng vùng phễu nang lông.
Theo BS Phương Thảo, ban đầu, do bít tắc lỗ chân lông, các cồi mụn sẽ xuất hiện. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, mụn có thể tiến triển thành sẩn viêm, nốt, nang, cục.
Các bác sĩ khuyến cáo thêm, những bạn có thói quen sờ chạm lên nốt mụn hoặc nặn mụn không đúng cách, không đảm bảo vô trùng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn dẫn đến các tổn thương trên da nặng nề hơn.
Trẻ cần chăm sóc và làm sạch da mỗi ngày, loại bỏ dầu thừa, giảm bít tắc, giúp thông thoáng lỗ chân lông.
Nên tẩy trang và rửa mặt với các sản phẩm có chứa những hoạt chất giúp giảm nhờn như salicylic acid; hạn chế sử dụng mỹ phẩm có các chất gây bít tắc, dễ sinh nhân mụn.
Giữ sạch tóc và hạn chế để tóc chạm vào da mặt, tránh mang bụi bẩn và dầu bám vào lỗ chân lông. Không nên đeo khẩu trang quá chật và cần chú ý thay khẩu trang khi bị dơ bẩn hoặc bị ẩm ướt.
Trẻ cần siêng luyện tập thể dục thể thao, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, kiêng các sản phẩm chứa nhiều đường, sữa, chất béo.
Trường hợp bị mụn viêm nhẹ có thể điều trị bằng thuốc bôi được bác sĩ kê đơn. Điều trị mụn trứng cá ở giai đoạn sớm chỉ cần phối hợp sữa rửa mặt, thuốc thoa giảm nhờn, làm khô nhân mụn, giảm bít tắc nang lông.
Không tự ý nặn mụn khiến da tổn thương, vi khuẩn mụn dễ dàng xâm nhập và lây lan ra các vùng da xung quanh, gây ra sẹo và vết thâm. Không tìm mua và sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc để chữa mụn.
Mụn ở tuổi dậy thì có thể giảm khi trẻ bước qua giai đoạn này nhưng không khỏi hẳn hoàn toàn. Khi trẻ bị mụn, gia đình nên đưa trẻ đi khám và kiên trì điều trị, giảm thiểu những di chứng như sẹo rỗ, thâm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thực hư tế bào gốc tại các cơ sở làm đẹp (Nguồn: VTV24)
Phương Khánh