Bí quyết “trói” trẻ dậy thì không sống sa đoạ, dẫn đến giết người

Google News

(Kiến Thức) - Dậy thì là độ tuổi có sự phát triển tâm sinh lý phức tạp. Cha mẹ cần trang bị những bí quyết “trói” các em, tránh xa lối sống xa đọa, gây hậu quả nghiêm trọng như thiếu niên 15 tuổi giết tài xế grab. 

Vụ việc thiếu niên 15 tuổi giết tài xế Grab gây chấn động Sài Gòn không phải là trường hợp cá biệt của những thanh thiếu niên tuổi dậy thì. Từ vụ án này có thể thấy đạo đức, lối sống tiêu cực của một bộ phận thanh thiếu niên thiếu tự tin vào học vấn, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt (bố mẹ chia tay, thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm,...).
Những thanh thiếu niên tuổi dậy thì này dễ bị tác động bởi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như bạo lực, lối sống gấp, thích hưởng thụ không từ lao động, chạy theo những trào lưu thiếu lành mạnh...
ThS Trần Mạnh Hoàng, chuyên gia tư vấn tâm lý, khuyên cáo các bậc cha mẹ có con tuổi dậy thì cần chú ý đến sự phát triển tâm sinh lý phức tạp của lứa tuổi này trong việc nuôi dạy con. Điều quan trọng nhất là cần tạo một môi trường cởi mở, thân thiện, cho con thấy cha mẹ luôn đồng hành, sẵn sàng ở bên con, lắng nghe, chia sẻ mọi vấn đề cùng con. Hãy tăng cường trò chuyện để tìm kiếm sự thấu hiểu của nhau.
Đừng để trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và khi xảy ra sự cố phải đương đầu một mình. Sự gần gũi, đồng hành bên con sẽ giúp các bậc cha mẹ nhận ra những vấn đề của con, sự khủng hoảng tâm lý của tuổi dậy thì để giúp con điều chỉnh, tránh rơi vào một trong hai trạng thái cực đoan là trầm cảm, thu mình, hoặc nổi loạn, lao vào lối sống sa đọa, hư hỏng mà nguy cơ bị lạm dụng hoặc trở thành tội phạm là điều rất có thể.
Bi quyet “troi” tre day thi khong song sa doa, dan den giet nguoi
 Trẻ dậy thì nổi loạn, lao vào lối sống sa đọa, hư hỏng mà nguy cơ bị lạm dụng hoặc trở thành tội phạm là điều rất có thể - ảnh minh họa
Các nhà tâm lý đã tổng kết những dấu hiệu của khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng của tuổi dậy thì mà các bậc cha mẹ cần chú ý phát hiện ở con để giúp con điều chỉnh và phát triển tâm sinh lý tốt nhất:
Buồn bã: Con có những triệu chứng như buồn bã, chán nản, thiếu năng lượng, không thích giao tiếp, dễ cáu kỉnh trong thời gian gần như cả ngày, hầu hết các ngày trong tuần và kéo dài trong ít nhất 2 tuần.
Mất hứng thú với những việc thường thích làm: Con không còn hứng thú với những môn thể thao yêu thích, xa lánh mọi người, thậm chí tránh cả bạn bè hay những người thân quen mà con vẫn thường thấy thú vị, vui vẻ khi ở cùng.
Mất tập trung, hay cãi vã: Tâm trạng nặng nề, buồn nản kéo dài và trầm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của con, biến con thành người dễ bị kích động, hay gây hấn, cãi vã, xung đột trong các mối quan hệ.
Thay đổi thói quen ăn ngủ: Bỏ bữa, chán ăn, sụt cân là những biểu hiện thường thấy ở những cô cậu tuổi dậy thì đang có vấn đề tâm lý. Thức khuya, khó ngủ, hoặc lại ngủ li bì mệt mỏi cũng là những dấu hiệu cha mẹ không nên bỏ qua.
Cảm giác tuyệt vọng, không hài lòng về bản thân dù không có lý do rõ ràng cũng là một vấn đề mà thiếu niên tuổi dậy thì dễ gặp phải và cần sự chia sẻ của cha mẹ.
Bi quyet “troi” tre day thi khong song sa doa, dan den giet nguoi-Hinh-2
Thiếu niên tuổi dậy thì cần sự lắng nghe, chia sẻ của cha mẹ.
Những hành vi nguy cơ cao: Dù chỉ là ý nghĩ hay thực sự con đã có hành vi hành vi lạm dụng chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, và quan hệ tình dục đều là những điều không cha mẹ nào mong muốn ở con mình. Vì vậy, hãy luôn bên con để kịp thời giúp con điều chỉnh và cân bằng tâm lý.
Nhiều trường hợp trẻ khi gặp vấn đề tâm lý nếu không tìm được sự chia sẻ từ cha mẹ sẽ dễ dàng chia sẻ với người ngoài, và vô tình trở thành đối tượng dễ bị dụ dỗ, sẵn sàng bỏ nhà đi hoang, hoặc có những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng,
Hoặc thậm chí cũng có nhiều trường hợp trẻ thể hiện suy nghĩ về việc làm hại bản thân. Đây là một cảnh báo rất nghiêm trọng. Cha mẹ cần nhận thức rõ ràng rằng con phải được một chuyên gia sức khỏe tâm thần can thiệp ngay.
An Lê