Health dẫn nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Medicine cho thấy, ngay cả sau khi mắc COVID-19 nhẹ và hồi phục, mọi người vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tim cao hơn đáng kể trong suốt 1 năm.
Các vấn đề về tim mạch - bao gồm suy tim, đột quỵ và viêm cơ tim - ảnh hưởng đến bất cứ ai ở mọi độ tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ.
"Cho đến nay, chúng tôi đã có dữ liệu cho thấy nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tim trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy COVID-19 có thể gây ra tác động lâu dài tới tim", Saurabh Rajpal, bác sĩ tim mạch tại Khoa Tim mạch của Trung tâm Y tế Wexnex thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ), nói với Health.
|
Ảnh minh họa. Ảnh: Harvard Health. |
Và ảnh hưởng của COVID-19 đối với sức khỏe tim mạch lâu dài không phải là không đáng kể. Ziyad Al-Aly, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "COVID-19 đã gây ra 15 triệu ca bệnh tim mới trên toàn thế giới. Điều này khá quan trọng. Đối với bất kỳ ai từng bị COVID-19, việc quan tâm đến sức khỏe tim mạch là rất cần thiết sau khi khỏi bệnh".
COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tim mạch lâu dài?
Để tìm hiểu tác động của COVID-19 đến sức khỏe tim mạch lâu dài, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe quốc gia do Bộ Cựu Chiến binh Mỹ (VA) quản lý.
Dữ liệu được chia làm 3 nhóm: Những người đã được chẩn đoán mắc COVID-19 (153.760 người), nhóm không bị nhiễm virus (5.637.647 người) và nhóm người có dữ liệu được thu thập trước đại dịch (5.859.411 người).
Nhìn chung, những người sống sót sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch như rối loạn mạch máu não, rối loại nhịp tim, thiếu máu cục bộ, rối loạn huyết khối,...
Cụ thể hơn, mắc COVID-19 làm tăng 63% nguy cơ đau tim, tăng 52% nguy cơ đột quỵ và tăng 72% nguy cơ suy tim trong khoảng thời gian 12 tháng so với những người không mắc bệnh.
Phát hiện mới không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, giới tính hoặc tình trạng hiện tại. Theo tác giả nghiên cứu, ngay cả những người không có tiền sử bệnh tim mạch cũng có nguy cơ cao hơn sau khi mắc COVID-19.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia, nghiên cứu cũng còn những hạn chế: Khi sử dụng dữ liệu từ VA - chủ yếu đối tượng là đàn ông da trắng - nhân khẩu học của nghiên cứu không nhất thiết đại diện cho dân số nước Mỹ. Cũng có thể những người thuộc nhóm đối chứng thực sự mắc COVID-19 nhưng không biết hoặc không được chẩn đoán chính thức mắc bệnh. Điều này có thể làm sai lệch kết quả.
Và khi đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, các biến thể mới xuất hiện và việc tiêm chủng vắc xin rộng hơn có thể dẫn tới sự thay đổi trong vấn đề về tim mạch này.
Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)
An An