DNA India đưa tin, sự lan rộng của biến chủng Omicron đang dẫn tới đợt dịch COVID-19 thứ 3 tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số bang ở Ấn Độ. Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Cộng hòa Síp lại phát hiện ra một biến thể mới, tạm gọi là Deltacron - được cho là "con lai" giữa chủng Delta và Omicron.
Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới tiếp tục tăng lên mỗi ngày do khả năng lây truyền cao của biến thể Omicron, câu hỏi đặt ra rằng liệu biến chủng lai Deltacron có là mối đe dọa hoặc gây lây nhiễm nhiều hơn Omicron hay không?
|
Ảnh minh họa: DPA. |
Khi các báo cáo về biến thể Deltracron xuất hiện, nhiều người lo ngại rằng chủng mới này sẽ mang những đặc điểm tồi tệ nhất so với các biến thể đã phát hiện trước đó - khả năng lây truyền cao của Omicron kết hợp với việc gây triệu chứng nghiêm trọng của Delta.
Theo Leondios Kostrikis, Giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Síp, Deltacron mang bộ gene của Delta nhưng có các đột biến giống Omicron. Kostrikis tuyên bố đã ghi nhận 25 ca nghi nhiễm chủng lai Deltacron tại Síp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi về sự xuất hiện của biến chủng mới. Một số cho rằng Deltacron có thể là do lỗi kỹ thuật trong phòng thí nghiệm.
"Dạng tái tổ hợp của Delta và Omicron không phải điều bất ngờ, song phát hiện ở Síp dường như là do lỗi kỹ thuật trong quá trình giải trình tự gene của virus", Nick Loman, giáo sư nghiên cứu gene vi sinh vật tại Đại học Birmingham của Anh, nhận định.
Theo chuyên gia về COVID-19 của WHO, bà Krutika Kuppalli, Deltacron không có thật và nhiều khả năng đây chỉ là kết quả của sự nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm.
Jeffrey Barrett – giám đốc COVID-19 Genomics Initiative tại Wellcome Sanger có trụ sở tại Anh - dẫn nghiên cứu của ông về biến thể này cho rằng Deltacron "gần như chắc chắn không phải là tái tổ hợp sinh học của chủng Delta và Omicron".
Vậy, chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm sau phát hiện của Síp hay không? Còn quá sớm cho việc đó.
Timo Wolf, bác sĩ và là người đứng đầu đơn vị cách ly tại Bệnh viện Đại học Frankfurt (Đức), nói với DW rằng ông lạc quan nhưng vẫn thận trọng vào lúc này.
“Tôi không nghĩ rằng có dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy điều này (sự xuất hiện của Deltacron) sẽ gây ra một vấn đề lớn. Tuy nhiên, dữ liệu của giáo sư Kostrikis vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đợi thêm vài tuần nữa", bác sĩ Wolf cho biết.
Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)
An An