Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN ra tuyên bố chung chống Zika

Google News

(Kiến Thức) - Chiều 19/9, Bộ trưởng Y tế 10 nước ASEAN đã tổ chức cuộc họp khẩn bằng phương pháp trực tuyến để bàn về các biện pháp ứng phó với dịch Zika.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế 10 nước đã thống nhất dự thảo bản Tuyên bố chung với các nội dung như: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia; đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, kịp thời chia sẻ thông tin; chia sẻ phát hiện mới và kinh nghiệm chống dịch Zika.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 19/9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika. Tại Đông Nam Á, hiện có 7 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Tại Việt Nam, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay đã xét nghiệm gần 2.700 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành.
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN về ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika ngày 19/9. Ảnh: ĐT 
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã ra Tuyên bố chung về ứng phó với dịch bệnh do virus Zika như sau:
Chúng tôi, Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn đại biểu các nước gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến đặc biệt về ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika trong khu vực vào ngày 19 tháng 9 năm 2016 để thảo luận về các hoạt động hợp tác trong thời gian tới nhằm nâng cao khả năng đáp ứng với mối đe dọa này.
NHẮC LẠI Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 10 về tăng cường an ninh y tế khu vực liên quan đến bệnh truyền nhiễm và các bệnh có nguy cơ gây đại dịch đã được thông qua vào ngày 22 tháng 11 năm 2015 tại KualaLumpur, Malaysia;
NHẮC LẠI các biện pháp đã được thống nhất nhằm kêu gọi tăng cường khả năng chuẩn bị, giám sát và đáp ứng với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và tái nổi như đã được đề cập trong các tài liệu của Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN+3 về phòng chống Ebola tại Bangkok, Thailand vào tháng 12 năm 2014; và Hội nghị trực tuyến đặc biệt của các nước ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh do MERS-CoV trong khu vực vào tháng 7 năm 2015;
QUAN TÂM tới sự lan truyền của dịch bệnh do vi rút Zika và mối liên hệ với chứng đầu nhỏ và các rối loạn thần kinh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đây là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp mang tính toàn cầu và đã được ghi nhận tại 72 quốc gia, bao gồm cả các nước thành viên thuộc ASEAN;
ĐÁNH GIÁ những cam kết của các nước thành viên ASEAN trong nỗ lực quản lý sự lan truyền của dịch bệnh và tiếp tục thực hiện các nghiên cứu để nâng cao hiểu biết về bệnh dịch này;
HOAN NGHÊNH công tác chuẩn bị của các nước thành viên ASEAN trong việc ứng phó với các mối đe dọa của dịch bệnh do vi rút Zika, bao gồm cả xây dựng năng lực trong việc giám sát thực địa, xét nghiệm, kiểm soát véc tơ và truyền thông nguy cơ đến cộng đồng;
GHI NHẬN những tiến bộ đã đạt được ở cấp độ toàn cầu bởi WHO và các đối tác khác nhằm tăng cường năng lực đáp ứng đối với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp;
NHẬN THỨC được mối đe dọa tiếp tục của dịch bệnh do vi rút Zika và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và tái nổi khác trong khu vực do sự gia tăng của giao thương đi lại quốc tế, biến đổi khí hậu và môi trường và những tác động đáng kể của các dịch bệnh tiềm tàng trong khu vực tới sức khỏe, xã hội và kinh tế;
CHÚNG TÔI, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN, thống nhất để nâng cao công tác chuẩn bị, đáp ứng với dịch bệnh do vi rút Zika và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và tái nổi khác trong khu vực với các tuyên bố sau:
1. Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực về virus Zika với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế bao gồm cả WHO;
2. Đẩy mạnh thực hiện IHR và các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác;
3. Nâng cao hiệu quả của việc giám sát và đáp ứng dịch bệnh do virus Zika cũng như các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi khác của các nước trong khu vực thông qua các cơ chế của ASEAN như: Mạng lưới ASEAN-EOC, Mạng lưới ASEAN+3 FETN;
4. Triển khai các biện pháp thích hợp trong việc quản lý, đánh giá nguy cơ bằng cách kiểm soát véc tơ, đảm bảo tiếp cận chẩn đoán phòng xét nghiệm bao gồm cả việc tăng cường mạng lưới phòng xét nghiệm quốc gia và truyền thông nguy cơ;
5. Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika thông qua các cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN bao gồm cả mạng lưới ASEAN+3 FETN, SEAMEO-TROPMED, và cũng như các cơ chế hoạt động khác bao gồm Chương trình hợp tác An ninh Y tế toàn cầu (GHSA).
Mời độc giả xem video: Những điều cần biết về virus Zika:
Ngọc Anh