Bộ trưởng Y tế: "Chỉ nhập 3,5 tấn chất tạo nạc"

Google News

Sáng 3/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần, quản lý an toàn thực phẩm từ từ trang trại đến bàn ăn là quy trình dài. Còn Bộ trưởng Nông nghiệp nói, việc sử dụng chất cấm là một tội ác.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh đặt vấn đề, năm an toàn thực phẩm 2015, hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai nhưng tình hình không giảm, còn phức tạp và thủ đoạn hết sức tinh vi.
Kết quả kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc sabultamol độc hại; 7,6% mẫu thịt có dư lượng quá chất kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt mức giới hạn cho phép.
"Cơ quan quản lý nhà nước dường như đang bất lực trước tình trạng không ít người kinh doanh, làm giàu bất chính trên chính sức khỏe của người dân", đại biểu Khanh nhận xét.
Rồi bà dẫn chứng, đơn cử salbutamol là nhóm chất độc bảng B và chỉ những công ty có số đăng ký với sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập và nhà máy GMP mới được sản xuất. Tại sao lại tràn lan trên thị trường?
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trên Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Mặc dù đây là loại thuốc bán theo đơn nhưng không khó khăn khi người dân có thể tự mua thuốc thành phẩm ở các đại lý thuốc Tây với số lượng tùy ý. Người bán hầu như không quan tâm người mua thuốc làm gì. Đấy là chưa kể nguồn thuốc này được nhập lậu, chưa được kiểm soát chặt chẽ . Trách nhiệm thì không biết thuộc về ai.
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, 68 tấn chất tạo nạc sabultamol được nhập vào Việt Nam trong năm qua. "Nguồn gốc các chất này từ đâu? Có hay không công tác buông lỏng quản lý?", ông Khanh chất vấn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, nói rằng ngành y tế cho nhập khẩu 68 tấn chất tạo nạc là không chính xác. Bộ chỉ cho nhập 3,5 tấn Salbutamol - dược phẩm cần thiết, để trị bệnh cho người.
"Chúng ta đã có quy trình quản lý chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược và chỉ bán theo đơn và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Các nhà nhập khẩu phải báo cáo hóa đơn...", bà Tiến nói
Việc sử dụng tràn lan, theo Bộ trưởng Tiến, một phần do người chăn nuôi muốn lợi nhuận, đạo đức kinh doanh không được coi trọng, phần khác do thương lái ép dân phải sử dụng để tăng nạc, tăng năng suất mới mua với giá cao. Một lý do nữa là hàng cấm đi qua con đường không quản lý được, qua buôn lậu tăng, khiến cho việc mua của dân dễ dàng.
Sử dụng chất cấm là một tội ác
Sự lan tràn của chất cấm trong nông nghiệp, tồn dư kháng sinh trong nông phẩm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà về lâu dài còn mang hại về kinh tế. Uy tín sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Hệ thống luật và quy trình quản lý đã có, với sự phân công giữa các bộ, ngành, địa phương tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tiến, việc thực hiện khá khó khăn. Qua các đợt kiểm tra cao điểm như Trung thu vừa rồi cho thấy, các mẫu vi phạm đã giảm 10-30% trên các mặt hàng nông sản và thực phẩm. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề lớn.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu liên quan đến an toàn thực phẩm, Tư lệnh ngành Y tế cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để quản lý chặt hơn nữa.
Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát tuyên bố: "Phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy. Với tôi, việc sử dụng chất cấm là một tội ác".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tiến phân trần, việc quản lý an toàn thực phẩm từ từ trang trại đến bàn ăn là quy trình dài. Đầu mối bộ y tế quản lý nhà nước, các bộ phối họp, nhưng mô hình quản lý thự thi khó.
Bà cho biết thêm, sắp tới, các Bộ ngành và địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để kiểm tra, giám sát.
Theo Zing