Rong biển có nguồn gốc từ thực vật với lượng protein cao và calo thấp. Đây là một trong những thực phẩm đang nằm trong xu hướng ăn uống lành mạnh được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, ăn rong biển như thế nào cho đúng, không gây hại sức khỏe là điều không phải ai cũng biết.
|
Lạm dụng rong biển sẽ gây tác hại cho sức khỏe. |
Dưới đây là những tác hại nếu lạm dụng rong biển sai cách:
Nhiễm độc kim loại nặng
Rong biển có thể hấp thụ và lưu giữ khoáng chất, điều này đồng nghĩa với việc có thể rong biển chứa một lượng lớn kim loại độc hại như cadmium, thủy ngân hay chì trong nước biển, đặc biệt ở những nơi có môi trường ô nhiễm.
Mặc dù đã được nghiên cứu rằng hàm lượng kim loại trong rong biển rất nhỏ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu ăn thường xuyên thì có thể tích tụ trong người bạn theo thời gian và gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, nếu rong biển là món ăn ưa thích của bạn, bạn nên mua rong biển hữu cơ để đảm bảo an toàn hơn.
Bị cường giáp
|
Rong biển chứa nhiều iốt nên không thể ăn quá nhiều và thường xuyên. |
Rong biển chứa lượng iốt khá cao, vì vậy nếu bạn đang thiếu iốt thì đây là một thực phẩm tuyệt vời. Nhưng nếu thường xuyên sử dụng rong biển với số lượng lớn sẽ gây ra tình trạng thừa iốt, dẫn đến nguy cơ bị cường giáp và gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển hóa.
Dị ứng nổi mẩn kèm rối loạn tiêu hóa
Rong biển có tính hàn, giải nhiệt nên không lạm dụng ăn quá nhiều. Một số trường hợp sẽ gây lạnh bụng, thậm chí là tiêu chảy, nhất là đối với trẻ nhỏ, người có tiền sử dị ứng với rong biển và các loại hải sản khác.
Tăng nguy cơ bị mụn nhọt
Rong biển tuy nhiều lợi ích nhưng không phải tất cả mọi người đều thích hợp để ăn. Đặc biệt đối với nhóm người đang bị mụn nhọt, tuy ăn rong biển cũng không quá nguy hại nhưng nó hoàn toàn có thể khiến nội tiết trong cơ thể bạn bị mất cân bằng, làm cho tình hình mụn nhọt tăng nặng thêm và khó điều trị.
Nên ăn rong biển bao nhiêu là đủ
|
Không nên ăn quá 100g rong biển mỗi ngày và nên chia nhỏ ra. |
Đối với phụ nữ mang thai, sản phụ đang cho con bú và trẻ nhỏ cũng cần lưu ý đến vấn đề sử dụng rong biển hợp lý. Theo khuyến cáo, trẻ nhỏ từ 1- 8 tuổi chỉ nên tiêu thụ 0.09mg iốt mỗi ngày. Tương tự, hàm lượng iốt được hấp thụ mỗi ngày ở phụ nữ mang thai và cho con dao động ở mức 0,22mg - 0,27mg.
Mặt khác, theo nghiên cứu, cứ trong 100g rong biển, chứa 1-1,8mg iốt. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, mỗi ngày không nên ăn quá 100g rong biển và chia nhỏ thành nhiều bữa, không nên tập trung ăn quá nhiều cùng một lúc.
Rong biển nên và không nên ăn chung với thực phẩm nào?
Rong biển không nên ăn chung với các nguyên liệu khác như quả hồng, trà, trái cây ngâm chua. Nguyên nhân là do khi kết hợp sẽ sinh ra hợp chất kết tinh khó tan, khiến cho dạ dày, đường ruột không khỏe. Huyết heo và cam thảo cũng nên tránh dùng chung với rong biển vì gây bất lợi cho sự hấp thu và tiêu hóa, dẫn đến táo bón. Ngoài ra, các thực phẩm có tính kiềm như lòng đỏ trứng, phô mai, xúc xích, thịt bò, bánh mì, tiểu mạch v.v… tốt nhất cũng không nên chế biến cùng với rong biển.
Ngược lại, rong biển rất thích hợp ăn kèm với tôm. Do tôm có tác dụng bổ sung Canxi, khi kết hợp với rong biển còn có thể phòng ngừa ung thư dạ dày, ung thư đại tràng. Phụ nữ mang thai cũng có thể ăn thêm rong biển để hỗ trợ cho sự sinh trưởng phát triển của thai nhi. Rong biển cũng nhiều lợi ích hơn khi ăn chung với sườn heo. Món canh rong biển hầm sườn heo có tác dụng làm giảm chứng ngứa ngáy da.
Theo Minh Khôi/Doisongphapluat