-
Giáp Tết, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục tấn thịt thối, ngâm tẩm hóa chất được vận chuyển đi tiêu thụ trong cả nước. Các chuyên gia thực phẩm đưa ra những cách phát hiện đơn giản giúp bữa ăn của các gia đình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
[links()]
Độc hại nhiều chiều
Ngày 4/1, cơ quan chức năng phát hiện tại nhà Nguyễn Duy Tâm (sinh năm 1974, ở phố Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khoảng 30 tấn xương, đuôi và sách bò. Số thực phẩm này đã bốc mùi hôi thối nồng nặc và đang được cất giấu trong các hầm lạnh tại nhà ông Tâm.
|
Nếu tinh ý, người tiêu dùng vẫn có thể nhận biết được qua những biến dạng bề mặt, độ dẻo, hay hiện tượng thịt bị nhớt. |
Chủ nhà cũng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy kiểm dịch, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của số hàng trên. Ông Tâm khai đã mua số hàng trôi nổi trên thị trường tại địa bàn huyện Thanh Oai để mang vào TPHCM tiêu thụ trong dịp Tết này.
Bà Phan Thị Kim, chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam cảnh báo: Theo tính toán, Tết là dịp tiêu thụ thực phẩm khoảng 40.000 tấn, tức cao hơn 15 - 20% ngày thường.
Vì thế, việc quản lý thị trường bắt được một số thực phẩm ôi thối ngâm hóa chất như vừa qua có thể khẳng định là chưa thể hết. Loại thực phẩm này thường tuồn vào các nhà hàng. Sau khi gia giảm, màu mè, cho rau thơm vào chúng lại trở nên thơm lừng như thực phẩm tươi. Còn ở chợ, số ít hàng này cũng có nhưng ít hơn và người dùng cần biết cách để mua.
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các nguồn thịt bị ôi thiu, thậm chí bốc mùi thối khi tuồn ra thị trường đã bị người buôn bán "phù phép" để trở thành thịt tươi ngon.
Những người buôn bán có thể rửa sạch bên ngoài và dùng nitrat làm "hồi" lại màu đỏ tươi của thịt. Hoặc sau khi tẩy rửa sạch, người ta có thể ngâm thịt ôi thối vào dung dịch muối canxi, phốt-phát canxi để làm cho bề mặt thịt săn, cứng chắc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều thực sự nguy hại không phải nằm ở vấn đề hóa chất. Các hóa chất như nitrat, sunfit natri (Na2SO3), hay sunfit kali (K2SO3) thường chỉ được dùng với hàm lượng ít nên không gây ảnh hưởng gì nhiều.
Hơn nữa, các chất này đều có thể rửa trôi được. Nên trước khi chế biến có thể rửa sạch và ngâm trong nước để các hóa chất tan ra và khuếch tán trong nước.
Đáng nói là khi thịt bị ôi có thể có độc tố sinh ra bởi những vi sinh vật gây độc thịt (Clostridium Butilinum). Độc thịt nồng độ thấp có thể gây ngộ độc, còn với nồng độ cao có thể gây chết người. Ngoài ra, khi nitrat dùng để làm cho thịt "tươi" lại, khi kết hợp với các axit amin trong thịt sẽ sinh ra nitrosamin, là chất sinh ung thư nếu tích lũy nhiều trong cơ thể.
Bỏ thói quen ngồi trên xe mua thực phẩm
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, việc tẩy hóa chất như trên có thể làm mất mùi hôi của thịt đã ôi thiu, nhưng cũng chỉ mất được một phần, hay việc xử lý bề mặt thịt cũng chỉ làm cho săn cứng bề ngoài, còn bên trong miếng thịt các thớ vẫn bị nhão.
Dựa vào đó người tiêu dùng nếu tinh ý vẫn có thể nhận biết được qua những biến dạng bề mặt, độ dẻo, hay hiện tượng thịt bị nhớt. Hãy lấy mũi dao rạch phần thịt nạc ra, sâu một chút và ngửi bên trong để xác định mùi amoniac - là mùi lên men thối, hoặc mùi hợp chất protein bị phân hủy (gần như mùi hôi của cống rãnh).
Ngoài ra, thịt ôi thiu còn có thể nhận biết bằng cảm quan trực giác như các thớ thịt của gia súc bị bầm tím do máu đỏ bị thâm đen lại hoặc thịt gia cầm thì các thớ thịt bị nhớt, chảy nhão.
Tốt nhất, để tránh mua phải thịt ôi, người tiêu dùng chỉ nên mua ở siêu thị hoặc những nơi bán hàng có uy tín, mua ở những chỗ quen biết, không nên tin tưởng ở những người bán hàng rong, hay những người bán vãng lai, chộp giật.
"Hãy bỏ thói quen ngồi trên xe mua thực phẩm mà không xem xét. Cần trang bị kiến thức về nhận biết thực phẩm tươi, kém tươi và ôi. Tốt nhất, khi mua cần cảm nhận, sờ thực phẩm bằng cảm quan như màu sắc, ấn...", bà Phan Thị Kim.
"Hoàn toàn không nên tái xuất các lô hàng thịt ôi thiu, thối rữa. Mình đã không ăn được thì không nên tái xuất cho người khác ăn, mà nên thẳng tay tiêu hủy và tất nhiên phải quy trách nhiệm cho các đơn vị nhập về những lô hàng này để họ bỏ tiền chi phí cho việc tiêu hủy".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh |
Hiền Na