Gừng không chỉ là một món ăn mà còn được coi như vị thuốc có vị cay, tính ấm, quy vào các kinh phế (phổi), tỳ (lá lách), vị (dạ dày), tác dụng tán hàn, phát biểu, long đờm, thường được dùng để chữa các chứng phong hàn và kích thích tiêu hóa.
Trong y hoc cổ truyền, rụng tóc thuộc phạm vi các chứng Lạc phát, Du phong, Ban thốc... và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có phương thức dùng thuốc bôi ngoài từ gừng. Trong Đông y, tùy theo cách bào chế mà gừng trở thành nhiều vị thuốc khác nhau. Thường dùng gồm: Để sống dùng sinh khương, phơi khô can khương, đem lùi ổi khương... Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Sau đây là các cách dùng gừng chữa rụng tóc.
Rượu gừng: Hồng hoa 60g, can khương (gừng khô) 90g, đương quy 100g, xích thược 100g, sinh địa 100g, trắc bá diệp 100. Tất cả đem ngâm với 3.000ml cồn 75%, sau 10 ngày thì dùng được, lấy dịch thuốc bôi vào nơi tóc rụng mỗi ngày 3 - 4 lần. Một nghiên cứu của các nhà y học cổ truyền Trung Quốc dùng trên 33 bệnh nhân cho thấy đạt hiệu quả 87,9%.
Gừng + cỏ nhọ nhồi: Cỏ nhọ nồi tươi 100g, lá trắc bá diệp tươi 100g, gừng tươi 100g. Ba thứ rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi hoà thêm một chút mật ong, bôi vào nơi tóc rụng, mỗi ngày 3 lần, liên tục trong 10 ngày. Bài này chuyên dùng cho bệnh tóc rụng thành từng mảng.
Gừng + trắc bá diệp: Gừng tươi 100g, trắc bá diệp 100g, ớt chỉ thiên 50g. Ba thứ thái nhỏ rồi ngâm trong 800ml cồn 70%, sau 15 ngày thì dùng được, lấy bông gòn tẩm dịch thuốc bôi vào vùng tóc rụng, mỗi ngày 3 lần, 50 ngày là 1 liệu trình.
Gừng sát: Gừng tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, thái phiến rồi xát vào nơi tóc rụng, mỗi ngày 3 - 5 lần.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)