Cách kiểm tra thực phẩm có hàn the bằng tăm bông tẩm nghệ vừa đơn giản lại dễ làm
1. Cách làm tăm bông tẩm nghệ
Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với tăm bông tẩm nghệ thì sẽ làm tăm bông chuyển từ màu vàng sang đỏ. Nguyên liệu để thực hiện rất rẻ tiền, dễ mua, chỉ cần chọn củ nghệ vàng tươi để chế biến tinh bột nghệ, tăm bông làm que thử.
Cách làm tăm bông tẩm như sau:- Đầu tiên là gọt hết vỏ nghệ, rửa sạch, giã nát cả củ, hòa loãng với nước sau đó để lắng lọc bỏ bã, cho ra sản phẩm cuối cùng là tinh bột nghệ.- Sau đó, hòa tinh bột nghệ vào dung dịch cồn 90 độ quấy đều cho tinh bột này tan hết rồi nhúng đầu que tăm bông vào và để khô.
|
Ảnh minh họa. |
2. Cách tiến hành kiểm tra
Để kiểm tra thực phẩm có hàn the, ví dụ với giò chả, chúng ta lấy que thử ốp phần đầu bông vào bề mặt thực phẩm.
Chỉ trong 30 giây nếu đầu que thử chuyển từ màu vàng sang màu nâu hoặc nâu đỏ là thực phẩm đó có chứa hàn the. Đặc biệt, nếu tỷ lệ hàn the càng cao thì màu vàng của que thử chuyển sang màu nâu càng đậm. Khi que thử không đổi màu là thực phẩm ngon, chuẩn, hoàn toàn không có chất hàn the.
Cách dùng tăm bông tẩm nghệ để kiểm tra thực phẩm chứa hàn the hay không có ưu điểm rất lớn là nhanh, dễ dàng thực hiện và chi phí thấp. Tiền mua nghệ và 1 lọ tăm bông khoảng 20 cái chỉ hết trên dưới 30 nghìn đồng.
Ngoài ra, có thể kiểm tra giò, chả có hàn the hay không bằng thị giác và vị giác
- Bằng thị giác:
Giò ngon nguyên chất khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu vàng hồng nhạt, hoặc có màu vàng tự nhiên, bề mặt giò mịn cảm giác hơi ướt. Giò có pha thêm hàn the khi cắt ra sẽ không có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt hơn bình thường.
- Bằng vị giác
Nếu giò, chả ngon khi ăn không bở và có vị thơm của thịt, bề mặt chả có những lỗ rỗ nhỏ tự nhiên, khi cắn vào miệng không bị nát. Nếu giò, chả có pha hàn the khi ăn sẽ rất bở, không có vị béo ngậy của thịt, giòn dai hơn bình thường.
Hàn the gây hại sức khoẻ như thế nào?
Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi... nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác tốt hơn và ít tác dụng phụ. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.
Theo y thư cổ, hàn the còn gọi là bồn sa, bàng sa, bồng sa, nguyệt thạch; vị ngọt, tính mát mặn, giúp chữa sốt, tiêu viêm, giải độc. Có một thời hàn the được dùng bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho. Không biết từ bao giờ, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác.
Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó. Hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.
Nếu vô tình ăn uống phải liều lượng gây ngộ độc, cần cấp cứu tại bệnh viện, gây nôn, rửa dạ dày và áp dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực khác. Tuy nhiên, trường hợp ngộ độc cấp như vậy ít xảy ra. Thường gặp là các ca nhiễm độc trường diễn do tích luỹ hàn the qua nhiều lần ăn thực phẩm chứa chất này. Tác hại đặc biệt nghiêm trọng đối với thai nhi và trẻ em. Vì vậy, phấn rôm nếu có một lượng nhỏ acid boric thì trên nhãn phải ghi rõ "không dùng cho trẻ sơ sinh".
Cần lưu ý rằng hàn the mà các gia đình sản xuất bánh phở, bún... cho vào sản phẩm đều là loại hàn the công nghiệp, lẫn rất nhiều tạp chất độc hại khác như asen, chì...
Theo Linh/Khỏe & Đẹp