4,2% người trên 40 tuổi bị bệnh
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, tỷ lệ tử vong xếp vào hàng thứ 4 trên thế giới. Bệnh tái phát có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, do sức đề kháng và chức năng hô hấp giảm sút.
Việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ suy giảm chất lượng cuộc sống và những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Trên thế giới hiện nay có 384 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, với hơn 3,1 triệu trường hợp tử vong mỗi năm, và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 trong các nguyên nhân tử vong bệnh tật.
Ở Việt Nam, tỷ lệ COPD ở tuổi trên 40 là 4,2%; trong đó tỷ lệ ở nam giới là 7,1%, nữ giới là 1,9%; Khu vực Nông thôn 4,7%, Thành thị 3,3%, miền Núi 3,6 %; miền Bắc: 5,7%, miền Trung: 4,6%, miền Nam: 1,9%.
Đến nay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã và đang là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế xã hội và sức khỏe của các quốc gia trên toàn thế giới nhất là với các nước nhiệt đới thuộc nhóm các nước thu nhập thấp và trung bình như nước ta.
|
Nhiều người mắc bệnh phổi tắc nghẽn phải nhập viện - Ảnh BVCC |
Từ 01/01/2024 – 31/10/2024, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên điều trị gần 500 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Triệu chứng điển hình của người mắc COPD là khò khè, khó thở khi gắng sức và ho khạc đờm mạn tính.
Bệnh tiến triển nặng theo thời gian với những cơn cấp nặng ho, suy hô hấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi, thậm chí tử vong.
Nhiều người nhập viện với biến chứng nặng nề
BS.CKI. Vũ Trọng Tuấn - khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: COPD là một bệnh lý hô hấp khiến cho người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại mà trong đó khói thuốc đóng vai trò hàng đầu.
Nếu không được khám phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì có thể gây ra biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân N - T– T, 63 tuổi, địa chỉ: phường Quảng Yên – thị xã Quảng Yên – tỉnh Quảng Ninh có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vào viện điều trị với tình trạng khó thở, đau tức ngực, ho nhiều, không sốt, ở nhà đã dùng thuốc không đỡ.
Vào khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh, chống viêm, giãn phế quản, ngừa co thắt phế quản, thở oxy, theo dõi toàn trạng. Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân đỡ khó thở, ổn định .
Không ít trường hợp bệnh nhân mắc COPD nhập viện ở giai đoạn nặng. Khi đó người bệnh đã bị tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, lượng khí hít vào trong phế nang không được đẩy ra hết. Lượng khí tích tụ này ngày càng tăng làm phế nang căng giãn, mỏng dần và dễ vỡ, gây tràn khí màng phổi nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện điều trị bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên khuyến cáo người dân:
-Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đây là những nguyên nhân gây phá hủy phổi, làm giảm sự đề kháng của phổi, làm tăng nguy cơ các bệnh lý về hô hấp và các bệnh viêm nhiễm khác.
Đặc biệt, với người cao tuổi mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại.
- Người bệnh COPD cần thăm khám định kì, sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập thể dục ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...
- Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.
- Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì lập tức đến cơ y tế khám và điều trị.
Thúy Nga