Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu, 61 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc phải nhờ con cái dìu đi vì chân đau không bước nổi. Bà Thu kể cách đây gần một năm bà thấy người mệt mỏi, sức khỏe kém, ăn uống không ngon nên bà Thu đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết bà bị căn bệnh đáng sợ tiểu đường. Bà vẫn dùng thuốc và cố gắng ăn kiêng.
Khi bàn chân xuất hiện các cục chai cứng bà Thu có thói quen lấy dao cắt và lấy tay cậy. Từ những ổ chai cứng ấy, vết loét nhanh chóng lan rộng ra khắp bàn chân khiến bà đau không đi được.
Vết loét đã lan rộng và ăn sâu vào bên trong, có chảy cả nước và mủ trắng, kèm theo đau tê dữ dội. Khi đến khám bác sĩ, bà mới biết đó chính là hậu quả do bệnh lý bàn chân, một biến chứng nguy hiểm do bệnh tiểu đường gây ra và bà Thu buộc phải cắt bàn chân để điều trị vì không có cách nào chữa được vết loét.
|
Ảnh minh họa. |
Còn trường hợp của ông Vũ Quang Tính quê Yên Bái lại khác. Ông Tính không hề biết mình bị tiểu đường vì thấy sức khỏe vẫn tốt. Một lần, ông Tính cắt móng chân và cắt sâu vào phần khe móng chân dẫn tới bị xước da. Từ vết xước nhỏ nhưng chúng bắt đầu loét rộng ra khiến ông đau nhức.
Ông Tính lại cho rằng do mình vệ sinh không chu đáo nên ngâm nước muối hàng ngày để khử trùng, song càng ngâm chân càng loét.
Khi đến viện, vết loét ngón chân đã hoại tử sâu vào mu bàn chân và ông phải cắt một bên bàn chân. Song song với đó, chẩn đoán ông bị tiểu đường tuyp 2. Ông Tính ngỡ ngàng vì mình không hề biết bệnh tiểu đường.
Giáo sư Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - cho biết bệnh tiểu đường đang ngày càng gia tăng và bệnh phát triển âm thầm nên nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị bệnh từ lâu.
GS Bình cho biết bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường là một biến chứng của đái tháo đường. Đây là biến chứng thần kinh của người đái tháo đường. Ở Việt Nam ở tại thời điểm chẩn đoán đã có 90% người bị biến chứng thần kinh.
Trên thế giới cứ 20 giây có một người bị cắt chân vì đái tháo đường, còn 6 giây có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường. Biến chứng bàn chân dễ nhìn thấy, để lại hậu quả tức thì mà bất cứ bệnh nhân bị đái tháo đường cũng lo sợ.
Theo GS Bình bệnh lý đái tháo đường tuyp 2 thường bệnh lý âm thầm, không có biến chứng khi bệnh nhân phát hiện đái tháo đường lâm sàng thì đã bị 10, 15 năm thậm chí 20 năm. Giai đoạn tiền lâm sàng đái tháo đường kéo dài rất lâu nhưng nguy hiểm là biến chứng của nó có thể xảy ra trong giai đoạn này. Vì thế, biến chứng của đái tháo đường tuyp 2 khi phát hiện bệnh nhân đã bị rất nặng.
Và nguy hiểm của người Việt Nam là khi phát hiện giai đoạn tiền đái tháo đường nhưng vẫn không chữa. Nhiều người bác sĩ chẩn đoán cho biết có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa họ vẫn coi thường và chỉ khi nào xảy ra các biến chứng họ mới bắt đầu đi khám và điều trị.
Theo GS Bình tiểu đường được xem là bệnh của người giàu có. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường ngày nay thuộc tất cả mọi tầng lớp xã hội. Đây không còn là bệnh của người giàu nữa. Bây giờ tất cả mọi người, cả giàu và nghèo đều có thể mắc bệnh. Thậm chí bệnh đang trẻ hóa. Bệnh nhân trẻ nhất mà giáo sư Bình từng điều trị là bệnh nhân nhi 7 tuổi.
GS Bình cho biết nguyên nhân của bệnh tiểu đường có nhiều yếu tố nguy cơ như những phụ nữ có tiền sử sinh con nặng cân từ 3,6 kg trở lên, do lối sống ít vận động, chế độ ăn uống. Ông cho hay không phải cứ ăn nhiều đồ ăn ngọt là có nguy cơ mắc tiểu đường.
Để chăm sóc tránh vết loét bàn chân ở người bị tiểu đường hiện nay cần ổn định đường máu: giới hạn trong 80-110 mg% sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng trầm trọng. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập thể dục, dùng thuốc hạ đường liên tục và đều đặn, tái khám với bác sĩ điều trị và kiểm tra nồng độ đường máu định kỳ.
Không hút thuốc lá, cắt móng chân không được cắt sâu vào khóe chân. Khi tắm, cần kiểm tra toàn bộ bề mặt da để phát hiện sớm bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân như vết thương, trầy xước, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước...
Theo Phương Thúy/Báo Infonet