Những ngày gần đây, thời tiết trở lạnh với nhiều nơi nhiệt độ giảm sâu, có những nơi chỉ dưới 10 độ C. Nhiệt độ giảm sâu không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều người mà còn rất dễ dẫn mắc phải các bệnh lý mùa lạnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng… Trời lạnh dưới 10 độ C cũng khiến nhiều người dễ gặp phải chứng bệnh cước.
Việc cước tay chân là điều khó tránh khỏi với nhiều người khi vẫn phải giặt quần áo, rửa bát…. Mặc dù cước mùa lạnh không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng người bị lại rất khó chịu với những triệu chứng mà bệnh gây ra.
Cước rất dễ gặp trong mùa lạnh. Ảnh minh họa
Là nhân viên ở tiệm cắt tóc, gội đầu, chị Trần Mai Anh thường xuyên phải tiếp xúc với nước. Chị Anh chia sẻ, chị rất vui khi khách đến quán gội đầu đông hơn trong thời tiết lạnh nhưng đôi bàn tay tiếp xúc với nước khiến chị nứt nẻ, sưng tấy đỏ. Bàn tay lúc nào cũng ngứa ngáy như bị kim châm. Vì tiếp xúc với nước, hóa chất làm tóc thường xuyên nên tình trạng chị gặp phải càng tồi tệ hơn.
Không riêng gì chị Mai Anh, trong thời tiết lạnh buốt với nhiều người phải hở tay hở chân để sờ vào nước lạnh những ngày này là điều cực hình. BS Đinh Doãn Thạch (Bệnh viện Da liễu Hà Nội 2) cho biết, thời tiết lạnh giảm sâu, thân nhiệt không chịu được lạnh rất dễ dẫn tới cước tay chân và nổi mề đay. Biểu hiện là xuất hiện những nốt, mảng da sưng nề, đỏ, ngứa màu đỏ hoặc màu tím, giảm sưng sau 7-14 ngày hoặc lâu hơn.
Với những trường hợp nặng có thể xuất hiện bọng nước, mủ, loét. Hầu hết người bệnh đều ngứa, đau nhức ở vùng bị thương tổn. Cước không chỉ xuất hiện ở tay chân mà có thể gặp ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như mũi, mặt, tai…
Các tổn thương do cước gây ra khiến cho người bệnh khó chịu, nhiều khi không dám chạm vào nước. Bình thường cước sẽ tự khỏi khi được xoa bóp, ủ ấp mà không cần dùng thuốc. Nhưng hiện tượng này nếu để kéo dài, người bệnh có thể gặp phải vấn đề xơ da đầu ngón, cơ, xương hoặc các vấn đề về tuần hoàn, viêm phế quản mãn tính.
Theo BS Đinh Doãn Thạch, cước đáp ứng kém với các thuốc điều trị, có thể dùng kem bôi corticoid trong ít ngày để giảm ngứa và viêm. Trường hợp người bệnh có bội nhiễm sử dụng kháng sinh dạng thuốc bôi hoặc dạng uống tùy mức độ nặng.
Trong những ngày mùa đông, nhất là thời tiết trở lạnh dưới 10 độ C như hiện nay, để tránh nhiễm lạnh cũng như phòng cước mọi người cần lưu ý:
- Cần giữ ấm cơ thể. Khi đi ngoài đường càng cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vị trí như tai, bụng, chân, tay… cần đi tất, đi giày hoặc bốt cao cổ, tránh mặc phong phanh để gió lùa vào khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh.
- Cần hạn chế tiếp xúc nước lạnh lâu, các loại hóa chất tẩy rửa. Nếu phải tiếp xúc nên đeo găng tay hoặc dùng nước ấm.
+ Cước khiến cho mọi người rất ngứa nên thường có thói quen gãi mạnh. Nhiều người lại hơ tay chân bị cước vào lửa. Điều này khiến cho tình trạng ngứa tăng nặng, tổn thương nặng nề hơn khi da phồng rộp, lở loét. Tổn thương da kéo dài cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những bội nhiễm không đáng có.
Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, trong mùa lạnh mọi người nên ngâm chân tay vào nước ấm nóng pha chút muối trước khi đi ngủ. Có thể mọi người cho thêm chút tinh dầu, gừng vào nước ngâm để cơ thể ấm áp, tránh bị nhiễm lạnh dẫn tới mề đay, cước tay chân.
Ngoài ra mọi người nên dưỡng ẩm da tay bằng kem bôi phù hợp với cơ địa của mình. Khi làm việc, mọi người cũng cần làm nóng cơ thể bằng việc thường xuyên vận động hoặc thực hiện một số động tác thể dục ngay tại văn phòng; uống đủ nước và nên uống nước ấm. Khi bị cước chân tay nên kiêng một số thực phẩm như thịt gà, hải sản… vì có thể khiến chỗ cước sưng ngứa hơn.
Theo Giadinh