Mối quan tâm của y học phương Tây dành cho châm cứu dần tăng lên do những lo ngại về việc sử dụng thuốc giảm đau gốc opioid đem đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và dễ dàng gây nghiện. Tuy nhiên, trong khi Viện Ung thư Mỹ khuyến khích bệnh nhân ung thư thử châm cứu, không ít nhà khoa học vẫn tỏ ra nghi ngờ phương pháp này với lý do không đủ cơ sở khoa học.
Mới đây, để kiểm chứng vai trò của châm cứu, bà Dawn Hershman, nhà ung thư học từ Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ) đã tiến hành “cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ trước đến nay”.
Sự trợ giúp ý nghĩa
Được dùng phổ biến trong điều trị ung thư vú, chất ức chế aromatase làm giảm nồng độ oestrogen và khi được dùng trong 5-10 năm, nó sẽ hạn chế nguy cơ tái phát ung thư. Tuy nhiên, nó lại gây hàng loạt phản ứng phụ mà điển hình là chứng đau khớp khiến 50% phụ nữ không uống thuốc đều đặn hoặc bỏ thuốc.
Sau một thử nghiệm nhỏ cho kết quả khả quan, bà Hershman cùng đồng nghiệp bắt tay tiến hành thử nghiệm lớn hơn xem liệu châm cứu có hiệu quả với cơn đau do chất ức chế aromatase hay không. 226 phụ nữ đang điều trị ung thư vú bằng liệu pháp hormon tại 11 cơ sở trên khắp nước Mỹ, được chia làm ba nhóm: nhóm đầu tiên châm cứu, nhóm thứ hai châm cứu giả (châm kim vào các điểm không phải huyệt đạo và chỉ châm nông dưới da), còn nhóm thứ ba hoàn toàn không châm cứu.
|
Châm cứu được cho là một phương pháp trị liệu hứa hẹn trong điều trị ung thư vú. Ảnh: Time.com |
Trải qua 6 tuần điều trị, nhóm nghiên cứu ghi lại thay đổi về mức độ đau đớn ở từng tình nguyện viên. Kết quả, trên thang từ 0 đến 10, cơn đau tồi tệ nhất ở nhóm châm cứu thật thấp hơn một điểm so với hai nhóm kiểm soát. Tỷ lệ bệnh nhân đau nhẹ hơn hai điểm cũng tăng gần gấp đôi - 58% ở nhóm châm cứu thật so với khoảng 30% ở hai nhóm kia. Đáng lưu ý, dù kết thúc châm cứu, các tác dụng này vẫn không biến mất.
Tại Hội nghị Ung thư vú ở Texas ngày 7/12 mới đây, bà Hershman kết luận, châm cứu là phương pháp thay thế hợp lý cho những thuốc giảm đau kê đơn như duloxetine và opiate.
Hiệu ứng giả dược?
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ châm cứu. Bài xích châm cứu với lý do thiếu cơ sở khoa học, nhà thần kinh học Steven Novella ở Trường Y thuộc Đại học Yale kiêm tác giả trang blog Science-Based Medicine, cho rằng khuyến khích châm cứu chẳng khác nào nói với bệnh nhân phép màu có thể trở thành hiện thực.
Trong khi đó, theo ông Edzard Ernst, giáo sư danh dự về dược phẩm bổ sung tại Đại học Exeter (Anh), dù thử nghiệm được tiến hành nghiêm ngặt về nhiều mặt nhưng những chuyên gia châm cứu biết rõ họ đang đang điều trị thật hay giả, tức là thử nghiệm không đảm bảo kín hai chiều, nên ông e rằng “đây chỉ là một cuộc thử nghiệm nữa chứng minh châm cứu tạo nên hiệu ứng giả dược”.
Nhưng ông Jun Mao, người phụ trách mảng y học kết hợp tại Trung tâm Ung thư Sloan Kettering, TP New York, đánh giá những thử nghiệm về châm cứu như của bà Hershman còn “kín” hơn so với những phương pháp như chăm sóc giảm nhẹ, liệu pháp nhận thức - hành vi hay rèn luyện thể lực mà người tham gia biết rõ bản thân đang được điều trị kiểu gì. “Họ [những người nghi ngờ châm cứu] sẵn sàng chấp nhận kết quả từ những lĩnh vực đó nhưng lại phản đối châm cứu,” ông Mao nói. “Thật không công bằng khi sử dụng duy nhất một luận điểm để chối bỏ cả một lĩnh vực.”
Cũng ủng hộ cuộc thử nghiệm, ông Rollin Gallagher, giám đốc nghiên cứu về cơ chế giảm đau tại Đại học Pennsylvania kiêm tổng biên tập tạp chí Pain Medicine, nhận xét, nhóm tác giả là “những nhà khoa học cẩn trọng” và đã đóng góp thêm cho lĩnh vực châm cứu. Ông nói, nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu tạo ra những thay đổi về sinh lý thần kinh, giúp giảm cơn đau, chẳng hạn như do hội chứng ống cổ tay hoặc tình trạng đau mạn tính trong cơ bắp, gân và khớp gây ra. Song theo ông, nên lồng ghép châm cứu vào chăm sóc y tế chính thống chứ không nên phó thác nó cho các chuyên gia châm cứu độc lập, những người mà có thể việc hành nghề của họ chưa được giám sát đầy đủ, nhằm giảm thiểu nguy cơ giao thẩm quyền vào tay lang băm. “Đó là lý do vì sao chúng ta phải nêu vấn đề ra.”
Về phần Hershman, bà lo ngại sự phản đối của những người hoài nghi châm cứu có thể cướp đi cơ hội được chăm sóc tốt của bệnh nhân ung thư. “Nói thuốc tốt hơn dù nó gây hậu quả nghiêm trọng là điều không thể chấp nhận”, Hershman nhấn mạnh. Với châm cứu, “chúng tôi đã cố gắng tiến hành một nghiên cứu nghiêm ngặt hết mức. Vào cuối mỗi ngày, nếu châm cứu có thể giúp ai đó không phải bỏ uống thuốc hoặc cải thiện chất lượng sống thì nó rất đáng thử.”
Theo KH&PT