Chi năm nay 30 tuổi, Thuấn - chồng cô 33 tuổi, kết hôn được 3 năm, có 1 con trai và hiện vẫn đang ở nhà thuê. Thu nhập của 2 vợ chồng Chi trung bình khoảng 20 triệu/ tháng. Mức thu nhập này mới được 1 năm nay chứ trước đó, lương của cả 2 cũng chỉ đủ sống.
Chồng Chi là con trai trưởng trong gia đình có 2 anh em, dưới anh còn 1 em gái. Thuấn nặng tư tưởng luôn đặt đằng nội lên hàng đầu. Bố mẹ Thuấn mở hàng ăn nhỏ tại nhà, thu nhập không hề thấp, em gái anh cũng đã đi làm, ấy vậy mà trước kia, khi còn chưa lấy vợ, anh vẫn gửi tiền về đều đều hàng tháng để chu cấp cho gia đình.
Từ ngày lấy Chi, Thuấn không còn lo được cho đằng nội như hồi son rỗi, thành ra mọi người trong nhà anh đều không có cảm tình với Chi. Không ít lần, cô bắt gặp được tin nhắn mẹ chồng và em chồng nhắn tin kể xấu mình.
Thế rồi Thuấn giấu giếm vợ gửi tiền về cho bố mẹ và em gái. Thực tế, Chi chưa từng cấm anh không được chu cấp cho gia đình, nhưng việc làm của Thuấn khiến cô rất bức xúc. Chi tâm sự với Thuấn, cô nói rằng bản thân cảm thấy rất buồn và mất niềm tin khi chồng phải giấu mình việc phụng dưỡng bố mẹ và cho tiền em gái. Tháng nào cô cũng thay anh gửi về cho họ 3 triệu chứ có phải không đâu? Nhưng Thuấn lại cãi ngang rằng: "Em nghĩ 3 triệu của mình mà to à?".
Câu nói thêm dầu vào lửa của Thuấn làm Chi bực bội hơn. 3 triệu không phải to nhưng so với hoàn cảnh của vợ chồng cô (nhà đi thuê, tiền điện nước sinh hoạt đắt đỏ, nuôi 1 đứa trẻ lên 3 và chi tiêu trên thành phố) thì đó là số tiền trong khả năng cho phép. Thế là Thuấn "chiến tranh lạnh" với vợ gần 1 tuần.
Chi không bàn luận thêm với Thuấn về chuyện này nữa, bởi càng nói thì kết cục 2 vợ chồng vẫn cãi nhau mà thôi. Cô chấp nhận cho Thuấn trích 2-3 triệu hàng tháng (cộng với tiền cô vẫn phải gửi về cho nhà anh là khoảng 5-6 triệu) gửi về cho bố mẹ anh. Chi biết, số tiền chồng gửi về có khi còn hơn thế, bởi cứ vài hôm, mẹ chồng và em gái lại nhắn tin lên kể khổ, xúi Thuấn gửi tiền về.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù đã nín nhịn như vậy, nhưng đầu tháng, Chi vô tình đọc được tin nhắn của mẹ chồng cô gửi lên cho con trai: "Tháng này bố mẹ kẹt tiền quá, phải góp tiền chơi phường nhưng chưa muốn rút ngân hàng, con gửi cho mẹ 4 triệu với. Đừng nói với cái Chi nhé, con ấy ăn ở không biết điều, nó lại làm ầm lên. Đọc xong tin nhắn thì cũng xóa đi".
Phải thật bình tĩnh Chi mới có thể đọc hết dòng nhắn đó. Cô không ngờ mẹ chồng vẫn có thành kiến như vậy với mình. Nghĩ lại mọi chuyện, Chi cảm thấy mình thật ngốc khi cứ cố gắng làm vừa lòng họ. Phải chạy vạy vay tiền làm gì, ăn dè sẻn làm gì, trong khi tiền lại đưa cho kẻ khác, đã thế vẫn mang tiếng xấu.
Thế là nguyên 1 tháng trời nay, Chi chỉ cho chồng ăn cơm rau với đậu hoặc trứng. Hoa quả cô cũng không mua. Thuấn ngán đến tận cổ những món ăn đó, nhưng ăn ngoài thì anh tiếc tiền. Đến tuần thứ 2, anh nhăn nhó yêu cầu Chi đổi thực đơn, Chi vẫn một mực không đổi.
Cô vừa cho con ăn vừa đủng đỉnh nói với chồng rằng: "Tiền tháng này của anh, chẳng phải anh đã gửi về cho mẹ hết. Anh đang ăn bằng lương của em nên không có quyền ý kiến".
Thuấn liền hiểu chuyện, anh không dám nho nhe cãi lại lời nào. Chi tưởng mẹ chồng tháng này đã lấy được cục tiền lớn như vậy thì sẽ thôi không nổi lòng tham, ai ngờ bà vẫn nhắn cho con trai bòn mót thêm. Bực quá, Chi lấy luôn máy chồng nhắn lại: "Mẹ ơi, lương anh Thuấn có 7 triệu thôi, tháng này mẹ cầm hết rồi còn gì. Con còn phải đi vay từng đồng để nuôi cháu trai của mẹ đây, bực lắm nhưng không muốn làm ầm lên sợ bị nói là "biết điều" mẹ ạ. Mẹ là người hiểu chuyện chắc chả nỡ ăn cả phần của cháu đâu mẹ nhỉ?".
Gửi xong tin đó, Chi không thấy mẹ chồng nhắn lại nữa. Còn Thuấn thì sáng nay đã tự nguyện giao nộp thẻ ATM cùng mật khẩu cho vợ. Anh thủ thỉ với Chi rằng, phải "đầu hàng" thôi chứ không chịu được "vợ hành".
Theo Hướng Dương HT/ Nhịp Sống Việt