Khi cả thế giới đang sợ hãi sự lây lan và sức hủy diệt của COVID-19, thì một vài nước châu Âu lại nới lỏng lệnh cấm biên, cho phép người yêu/bạn đời/người thân của công dân nước họ nhập cảnh. Quy định mới biến tình yêu trở thành “lý do chính đáng để nhập cảnh”.
Cả thế giới vừa thú vị, vừa bàng hoàng. Thú vị, bởi giữa không khí nghiêm trọng của việc xuất nhập cảnh thời COVID-19, vẫn có chỗ cho những quy định “vị tình yêu”. Bàng hoàng, khi dịch bệnh buộc con người thông thái phải tự vệ bằng việc hạn chế tiếp xúc, di chuyển, thì quyết định này như một biểu hiện “dại khờ”, “mù quáng” đỉnh cao của cả kẻ yêu lẫn người làm chính sách.
Tình yêu là gì vậy? Và sự “dại khờ” này, có lạ lắm không?
Để có câu trả lời, ta thường tìm tới những bộ óc thông thái của các triết gia. Nhưng chính các triết gia - những “tình nhân của minh triết” - không phải bao giờ cũng là những người tình minh triết. Nói cách khác, người yêu sự khôn ngoan không phải lúc nào cũng là người khôn ngoan.
Một trong số những chuyện tình nổi tiếng nhất của các triết gia là chuyện tình yêu của Peter Abélard - nhà thần học Pháp đã “đánh bại tất cả những kẻ có học đương thời” với những suy niệm triết học của mình.
Ở đỉnh cao danh vọng, ông mở trường dạy logic học và trong số hàng ngàn môn đệ, ông phát hiện ra nàng Heloise kiều diễm là cháu gái của Fulbert, một giáo sĩ có chức sắc của nhà thờ. Abélard yêu Heloise, chinh phục nàng, để rồi những buổi học logic biến thành buổi “thực tập yêu đương”.
Kết cục, nàng Heloise ngây thơ chỉ bằng nửa tuổi triết gia đã có thai, rồi trốn nhà theo ông. Thời trung cổ châu Âu, quyền lực của nhà thờ còn cao hơn cả quyền lực chính quyền thế tục. Vậy nên, quyết định yêu đương của Abélard là quyết định liều lĩnh đến táo tợn, thậm chí là mù quáng.
Kết cục của cuộc tình này không có hậu. Nàng Heloise vào nhà tu kín, còn triết gia bị… thiến. Thật bi thảm!
Tất nhiên, những cuộc tình lưu danh thiên cổ đều là những cuộc tình bi thảm. Vì bi thảm nên nó đẹp!
Cuộc tình đẹp nhất, nổi tiếng nhất tính từ thời phục hưng đến nay, đương nhiên là cuộc tình của Romeo và Juliet, nó đẹp đến mức trở thành bất tử, bởi cả hai đều chết vì yêu.
Nhưng Romeo và Juliet có thể là những thanh niên bồng bột thiếu suy nghĩ, đằng này các triết gia là những người thông thái, suốt ngày trầm ngâm nghĩ ngợi, hành động gì cũng chắc chắn, sao khi yêu cũng dại khờ?
Nhưng chuyện như Abélard không phải hiếm.
Những Louis Althusser, Henry Ward Beecher, Auguste Comte… và nhiều bộ óc vĩ đại khác, đều từng dại khờ đến lú lẫn khi yêu. Vì sao lại thế?
Có lẽ Bob Dylan là người khôn ngoan nhất khi nói rằng: “Bạn không thể cùng lúc vừa yêu đương lại vừa khôn ngoan”.
Vậy thì đã rõ, tình yêu là cái gì đó không liên quan đến khôn ngoan hay thông thái.
Rõ ràng, người khôn ngoan thì luôn biết rằng, tính mạng là quý giá, sự nghiệp là quan trọng, cuộc đời còn dài, ta không thể vì tình yêu mà mất tất cả. Nhưng khi yêu, họ sẵn sàng vứt bỏ tất cả vì tình yêu.
Với những người yêu nhau, không gì có thể ngăn họ đến với nhau, ngay cả khi họ biết cái giá phải trả là rất đắt, thậm chí là cái chết… Nếu gặp nhau để rồi chết ngay thì vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với việc “chết” từ từ vì xa cách, nhớ thương và nếu phải lựa chọn, họ sẽ chọn được chết bên nhau ngay lập tức, không băn khoăn nghĩ ngợi nhiều.
COVID-19 cũng vậy thôi. Khi hàng ngàn con tim yêu thổn thức kêu đòi “visa tình yêu” để gặp người tình xuyên biên giới giữa đại dịch, thế giới này đừng suy xét họ bằng cái tình ráo hoảnh của… lý trí. Thế giới không cần phải giúp họ cân nhắc giữa sức khỏe, tính mạng và sự sum họp. Thế giới chỉ có thể lựa chọn lắng nghe hoặc phớt lờ tiếng nói mãnh liệt nọ. Và đã có năm quốc gia chọn lắng nghe.
Bất chấp yêu cầu của Ủy ban Liên minh châu Âu về việc cấm nhập cảnh trên toàn EU, vẫn có năm quốc gia thông cảm với những người đang yêu và cho phép họ nhập cảnh. Sự cho phép này cũng “dại dột” và thiếu “khôn ngoan”. Nhưng đó là “sự dại dột dễ thương”, sự dại dột dũng cảm mang đậm tính nhân văn, tình người.
Yêu nhau và sống vẫn tốt hơn yêu nhau mà chết. Ảnh minh họa
Gặp được người mình yêu là nguyện vọng chính đáng. Lựa chọn rủi ro sức khỏe để sum họp với người yêu là lựa chọn cá nhân cần được tôn trọng. Việc còn lại, là làm sao để mọi quyết định dại khờ, mù quáng của kẻ yêu đừng… phương hại thế giới. Và, các quy định kiểm soát nhập cảnh sẽ làm điều này.
Chính quyền của năm quốc gia mở cửa với những “tình nhân” sẽ kiểm tra sức khỏe, giám sát việc cách ly của những người “nhập cảnh vì yêu”. Dù sao, yêu nhau và sống vẫn tốt hơn yêu nhau mà chết.
Đan Mạch là quốc gia đầu tiên cho phép bạn gái và bạn trai của công dân nước họ nhập cảnh. Tuy nhiên, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút Corona từ tối đa ba ngày trước khi nhập cảnh. Tại Áo, điều kiện nhập cảnh được nới lỏng với các lý do đặc biệt: chuyến thăm con cái, thành viên gia đình bị bệnh, hoặc chuyến thăm trong khuôn khổ nghĩa vụ chăm sóc, thăm bạn đời…
Từ ngày 20/7, tại Cộng hòa Séc, người nước ngoài có thể được nhập cảnh để gặp người bạn đời chưa kết hôn của họ nếu cung cấp được các bằng chứng yêu đương nghiêm túc như: hợp đồng thuê nhà, tài khoản ngân hàng chung, hoặc khai sinh của con chung.
Từ 15/7, Na Uy cho phép người ngoài EU/EEA có mối quan hệ tối thiểu chín tháng với công dân nước này nhập cảnh để gặp người thân của họ. Những người muốn đến Hà Lan theo chính sách nới lỏng tương tự phải chứng minh họ có mối quan hệ với công dân nước này ít nhất ba tháng trước khi lệnh cấm được đưa ra.
Tuy nhiên, tất cả những đối tượng nhập cảnh đều phải tuân thủ các quy định kiểm dịch. Những người lợi dụng sự thay đổi này để gian lận thị thực sẽ phải chịu trừng phạt theo luật pháp của từng quốc gia.
Theo Phunuonline