Chị chồng lúc nào cũng kể công 'Tao nuôi mày ăn học...'

Google News

“Tao nuôi mày ăn học mới có ngày hôm nay” là câu thần chú của chị chồng trong các cuộc cãi vã.

Chi chong luc nao cung ke cong 'Tao nuoi may an hoc...'
Chị chồng lúc nào cũng mang ơn nghĩa ngày trước ra "đàn áp" em trai và em dâu (Ảnh minh họa) 
Chồng Thoa là con út và chị hai là người khá giả nhất nhà. Như nhiều gia đình đông con khác, chị hai là người nuôi chồng Thoa ăn học suốt bốn năm đại học.
Ân tình đó lẽ ra là điều quý báu đi theo suốt cuộc đời chồng Thoa, nhưng nó trở thành con “át chủ bài” để chị nhắc đi nhắc lại mỗi khi muốn chồng Thoa đồng ý điều gì và khiến vợ chồng cô mệt mỏi.
Lẽ dĩ nhiên, nợ ân tình một khi người ta bắt mình phải nhớ mãi thì trả đến bao giờ cho xong. Ban đầu, chị đòi mua lại căn nhà mặt tiền vợ chồng Thoa đang ở với mẹ chồng bằng số tiền rẻ bèo so với thị trường. Tiền chị đưa lại đủ để vợ chồng Thoa mua căn nhà khác.
Chuyện tưởng vậy là yên, nhưng không, chị đề nghị để mẹ đứng tên căn nhà mới mua chứ không phải vợ chồng Thoa. Sau đó, chị lại bảo chồng Thoa cho mượn giấy tờ nhà để chị cầm cố, vay tiền làm ăn…
Bao nhiêu chuyện lớn nhỏ trong nhà chị đều thao túng, mẹ chồng thì lúc nào cũng nghe theo chị, khiến Thoa ấm ức và tình cảm vợ chồng cũng vì đó mà sứt mẻ dần. Thoa sốc nặng khi chị chồng tỉnh bơ giải thích lý do để mẹ đứng tên nhà: “Rủi vợ chồng mày có chia tay thì thằng Thắng còn có cái nhà mà ở”.
Thoa sinh ra trong một gia đình giàu có, cưới nhau về ba mẹ Thoa cho hai vợ chồng một căn nhà và vốn liếng làm ăn. Cuộc sống của vợ chồng Thoa và hai đứa con nhỏ thong thả như hôm nay phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của ba mẹ Thoa. Thực tế, Thoa chẳng cần đến thừa kế của nhà chồng vẫn có thể sống khỏe nếu chăm chỉ làm ăn và cô chẳng bao giờ có ý định moi một xu từ nhà chồng.
Thoa vừa bất mãn với bà chị không tôn trọng mình, vừa ngao ngán ông chồng thiếu bản lĩnh. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với chị, anh Thắng chỉ biết thủ thỉ, xoa dịu: “Thôi kệ em, dù gì ngày xưa chị nuôi anh ăn học mới có được hôm nay”.
Vì tính cả nể của chồng, Thoa biết không thể đợi anh giải quyết việc này. Cô tung “đòn quyết định”, thưa chuyện với mẹ chồng và chị chồng rằng mình sẽ dẫn hai con về ở căn nhà ông bà ngoại đã cho, vì nếu không để vợ chồng Thoa đứng tên giấy tờ nhà chứng tỏ chừng ấy năm gia đình anh chẳng coi cô là người trong gia đình.
Phải mất một thời gian dài với bao nhiêu cuộc cãi vã, việc sang nhượng nhà cửa mới xong. Vợ chồng Thoa được đứng tên căn nhà ấy và dĩ nhiên, trong mắt người chị chồng, Thoa là cô em dâu đáo để. Thoa buồn vô cùng vì có được quyền sở hữu căn nhà theo cách ồn ào như thế, nhưng mặc kệ người chị chồng nghĩ gì. Cô không cần người khác xem mình là một cô con dâu hiền dịu, chỉ cần cô sống biết điều là được.
Vợ chồng cô sẵn sàng chăm sóc mẹ chồng mọi lúc và cũng sẽ luôn có mặt lúc chị cần như tình yêu thương của những người trong gia đình dành cho nhau chứ không phải đầu hàng chị vô điều kiện với những đòi hỏi phi lý chỉ vì đã có những năm giúp đỡ việc học của Thắng.
Sắp xếp mọi việc đâu vào đó, hiện giờ Thoa sống cùng mẹ chồng vui vẻ. Với cô, thành công lớn nhất là từ đó chị chồng không còn nói: “Ngày xưa tao nuôi mày ăn học” như một cách tra tấn tinh thần vợ chồng cô nữa.
Đó không phải là tài khoản tình cảm chị gửi vào chồng Thoa vô thời hạn, vô hạn mức và có thể rút được bất cứ khi nào.
Theo www.phunuonline.com.vn