Đến giờ phút ấy, tôi mới ngã ngửa nhận ra, hóa ra không phải chị chồng vay tiền có việc gấp mà vì chị ta đã có toan tính vay rồi “bùng” ngay từ đầu.
Tôi lấy chồng cùng quê. Nhà chồng tôi có hai người con. Chồng tôi là út, bên trên có một chị gái đã lập gia đình.
Ngay từ lúc mới ra trường, do cả tôi và chồng đều thuộc top sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nên nhanh chóng tìm được các công việc ưng ý. Tôi làm nhân viên ngân hàng còn chồng làm marketing cho một công ty du lịch. Thu nhập của hai vợ chồng khá ổn nên sau ba năm kết hôn, chúng tôi đã mua được một căn chung cư rộng rãi ở Thủ đô.
Gia đình tôi thống nhất một nguyên tắc là chỉ tiêu tiền lương của chồng, còn tiền của tôi để dành tiết kiệm. Mọi chi tiêu trong gia đình do tôi đảm nhận. Ngoài những khoản chi phí sinh hoạt, đi lại, học hành, chăm lo sức khỏe… Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi về quê có biếu bố mẹ hai bên chút tiền để ông bà tiêu vặt. Tất cả những điều đó, tôi đều công khai cho chồng biết.
Ảnh minh họa.
Vợ chồng tôi có một bé gái 4 tuổi và sắp chào đón thành viên thứ hai, dự sinh vào đầu năm sau. Vì vậy, hai vợ chồng bàn nhau sắp tới sẽ rút tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để mua một chiếc ô tô tầm trung, tiện cho việc chở con nhỏ.
Do sắp có việc cần dùng đến tiền nên cuối tuần trước về quê, tôi có nói chuyện với chị chồng về dự định mua xe và đang thiếu tiền. Năm ngoái, vợ chồng tôi có cho chị vay 100 triệu để làm ăn. Nếu chị thu xếp được thì 1-2 tháng tới cho nhà tôi xin để dồn vào tiền mua xe.
Nào ngờ, khi vừa nghe tôi nhắc đến khoản vay đó, chị chồng liền thay đổi thái độ. Ban đầu chị nói gia đình kinh tế khó khăn, con cái đều đang ở tuổi đi học nên chưa thể thu xếp để trả vợ chồng tôi được.
Sau đó, chị bắt đầu than khó, kể khổ chuyện ngày xưa. Chị chồng tôi nói, vì bố mẹ nghèo, chị ta đã phải hy sinh nghỉ học đi làm sớm để nhường cơ hội được học hành đến nơi đến chốn cho chồng tôi. Do đó, chị chồng bóng gió rằng chồng tôi bây giờ kiếm được mấy chục triệu một tháng, công lao của chị cũng rất lớn.
Chưa kịp để tôi nói gì, chị chồng tiếp tục so sánh, vợ chồng tôi ở trên thành phố có cuộc sống sung túc, tiền tiêu rủng rỉnh. Còn chị ở quê, chật vật lo từng đồng, chạy ăn từng bữa. Số tiền 100 triệu chỉ bằng vài tháng lương của vợ chồng tôi nhưng là cả một khoản tiền lớn đối với gia đình chị.
Lúc ấy, nghe chị chồng nói, tôi thấy rất khó hiểu. Bởi nhà chị chồng buôn bán, luôn có tiếng là giàu có ở quê, nhà cao cửa rộng lại có cả xe tải chở hàng. Vậy mà chị nói như thể nhà chị thuộc hộ nghèo, đói ăn không bằng.
Tuy nhiên, để tránh vì tiền mà mối quan hệ chị chồng em dâu căng thẳng, tôi nói khi nào nhà chị có tiền thì trả nhà tôi sau cũng được. Vậy mà, chị chồng bất ngờ "quay xe" nói tôi sống không biết điều.
"Sao em ăn ở không cân thế. Chị thấy em suốt ngày dấm dúi tiền cho bố mẹ đẻ, lại còn mua xe máy hơn 70 triệu cho em trai. Chị biết cả đấy nhưng không hề nói với mẹ câu nào. Em giàu có, hào phóng với nhà đẻ mà lại chi li, tính toán với chị ruột của chồng 100 triệu thế ư. Em cũng nên sống biết điều một chút. Đừng vì chút tiền mà làm rối mọi chuyện lên", chị chồng tôi nói.
Thật tình nghe chị chồng nói vậy, tôi uất nghẹn vô cùng. Tiền của nhà tôi, tôi biếu bố mẹ hay mua xe cho em trai, sao chị ta có thể can thiệp được. Chồng tôi cũng biết những việc đó cơ mà. Vậy mà chị ta lại lấy mẹ chồng tôi ra để đe dọa.
Hơn nữa, chị ta đến hỏi vay tôi đàng hoàng, giờ chị ta lật mặt muốn tôi phải "biếu" chị ta cả 100 triệu đó cho công bằng với những gì tôi đã cho nhà đẻ hay sao. Trần đời, tôi chưa thấy ai trơ trẽn như vậy. Đó chẳng khác nào là hành vi ăn cướp.
Đến giờ phút ấy, tôi mới ngã ngửa nhận ra, có lẽ không phải chị chồng vay tiền có việc gấp mà vì chị ta đã có toan tính cố tình vay tiền của tôi rồi "bùng" ngay từ đầu.
Vì chuyện này mà tôi ấm ức cả tuần nay. Theo mọi người, tôi nên làm thế nào với người chị chồng mưu mô, tính toán này?
Theo Phạm Vân/ Gia đình & Xã hội