Vết xước ở tay gây nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng máu. Bệnh nhân có vết xước ở tay do dị ứng xi măng.
|
Ảnh minh họa. |
Cách đây 10 ngày, bệnh nhân có giúp nhà hàng xóm mổ lợn. Sau khi thực hiện xong, bệnh nhân này có dấu hiệu sốt, nổi ban hoại tử sau đó được đưa đến bệnh viện. Do quá nặng nên bệnh nhân đuọc chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai rồi chuyển sang bệnh viện Nhiệt đới.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 9 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn, trong đó có 5 người nhiễm trùng huyết. Trong số này, một trường hợp quá nặng nên người nhà xin về.
Bác sĩ đang nỗ lực điều trị nội khoa hy vọng phục hồi thận cho bệnh nhân song tình trạng suy thận không cải thiện. Bệnh nhân cần được lọc máu, tuy nhiên chi phí điều trị sẽ rất lớn trong khi không có bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn sau khi làm thịt lợn ốm
Tháng 8/2016, một người đàn ông 51 tuổi, Thanh Hóa, đã phải nhập viện sau khi làm thịt con lợn nhà bị ốm. Người này xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, hoại tử. Khi vào bệnh viện tỉnh khám đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai và chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân nhập viện ngày 14/8 được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, được thở máy, chống sốc, lọc máu liên tục. Bệnh nhân làm nghề thợ xây hay bị xây xát chân tay, được cho là có thể dễ lây nhiễm khuẩn liên cầu lợn khi giết mổ con lợn ốm.
Hành nghề mổ lợn, người đàn ông nhiễm liên cầu khuẩn
Tháng 1/2016, bệnh nhân Phạm Tấn L. (52 tuổi) hành nghề mổ lợn phải nhập viện. Trước khi đến bệnh viện địa phương, bệnh nhân đã bị sốt cao, kèm nhức đầu 3 ngày liên tục nhưng không đến bệnh viện mà ở nhà tự mua thuốc uống. Đến khi bệnh trở nặng, gia đình đưa đi cấp cứu thì bệnh viện địa phương phải hỏa tốc chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy.
Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn. Sau khi lấy dịch não tủy để kiểm tra, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus - một loại vi khuẩn gây ra bệnh đường hô hấp cho heo nhưng có khả năng lây lan sang người và tạo thành dịch).
Khi phát hiện bệnh, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Bệnh nhân rơi vào hôn mê, phải thở máy. Sau đó, bệnh nhân thở máy liên tục và may mắn phục hồi.
Mổ lợn, ăn tiết canh rồi nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Tháng 8/2015, bệnh nhân Th. (Tân Phú, Đồng Nai) đã bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do mổ lợn và ăn tiết canh cùng mấy người khác. May mắn là trường hợp này được chữa trị kịp thời nên đã được xuất viện về nhà. Trước đó, người này đã cùng mổ lợn rồi ăn tiết canh cùng những người khác.
Sau đó, bệnh nhân phát bệnh và được đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán là nhiễm trùng máu nặng nên chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh điều trị. Theo chẩn đoán xác định ông Thắng bị viêm màng não mủ do nhiễm liên cầu khuẩn lợn Streptoccus Suis. Đây là loại vi khuẩn gây bệnh cho cả người và lợn.
Theo Anh Minh/Em đẹp