Nguyễn Thị Kim Lan 18 tuổi, là sinh viên năm thứ nhất một trường đại học ở Hà Nội. Một hôm Lan đang đi xe máy sát cạnh chiếc ô-tô con đỗ bên đường thì bất ngờ cánh cửa xe mở ra làm cô đâm sầm vào ngã ra bất tỉnh. Người đàn ông gây ra tai nạn vội vàng bế thốc cô đưa vào bệnh viện gần đó. Từ đó hai người quen nhau.
Tân thường hay đón Lan ở cổng trường mời đi chơi, uống nước. Qua tấm các-vi-dít của anh ta, Lan biết Tân là trưởng phòng máy tính của một công ty lớn, liên doanh với nước ngoài. Tân lớn gấp đôi tuổi Lan, anh tỏ ra một con người lịch thiệp và chi tiêu rộng rãi. Đó là điều Lan ngưỡng mộ nhất.
Bởi vì nó khiến anh khác hẳn những chàng sinh viên đã từng theo đuổi cô. Tình yêu mà Lan dành cho Tân xen lẫn cả lòng cảm phục. Lan không bao giờ từ chối Tân một điều gì. Còn bây giờ, ngày nào không gặp được nhau là những ngày Lan đau khổ, chờ đợi khắc khoải.
|
Đàn ông luôn có kịch bản đơn giản để gợi tình thương của phụ nữ. Ảnh minh họa
|
Nào ngờ một hôm chính mắt Lan trông thấy Tân ngồi trên xe máy chở một phụ nữ và đứa trẻ con dừng lại ở một ngã tư chờ đèn xanh. Lập tức, Lan tăng ga đuổi theo. Thì ra anh ta chở vợ con đi ăn sáng. Hôm ấy, quá đau đớn vì bị lừa dối, Lan bỏ học ở nhà nằm khóc. Hôm sau gặp Tân, Lan xỉ vả anh ta thậm tệ. Tân chỉ ngồi im không nói gì.
Mãi sau anh ta mới tâm sự bằng giọng ảo não, hết sức đau khổ. Anh ta rên xiết rằng mình là người đàn ông bất hạnh, đã lấy vợ vì chiều lòng mẹ chứ không yêu. Vợ chồng do cha mẹ dàn xếp nên cứ như mặt trăng với mặt trời, không ai hiểu ai. Anh ta sống vô cùng cô đơn, mệt mỏi.
Lan hỏi tại sao không ly dị, khổ như thế còn chung sống làm gì? Anh bảo chỉ vì thương con mà không nỡ. Lan lại hỏi, anh định sống như thế suốt đời à? Anh bảo đợi cho đứa con lớn lên đã. Bây giờ nó lên 8, chỉ 4 năm nữa, khi con vào cấp 2, chín chăn hơn, anh sẽ ly dị. Lan nghe cảm động, càng nghĩ càng thương người đàn ông hy sinh cuộc đời mình vì những đứa trẻ. Nên cô phải yêu anh ý, phải bù đắp những khoảng trống tâm hồn cho anh ý.
Suốt 2 năm, Lan vắt kiệt thân thể dâng hiến cho anh ta để “lấp khoảng trống” tâm hồn cho người đàn ông vĩ đại và chờ con anh ta vào cấp 2 để được thuộc về nhau hoàn toàn. Bỗng một hôm mệt mỏi, Lan đi khám thì phát hiện mình có thai. Cô đang đau khổ với suy nghĩ phải phá thai vì không muốn sinh con ngoài giá thú. Bất ngờ, cô gặp người tình đang dìu vợ bụng chửa vượt mặt vào phòng khám thai.
Lan đau khổ, khóc ròng, oán trách người yêu thì anh ta còn đau khổ hơn mà rằng: “Anh bị vợ cho vào tròng, lừa anh uống say rồi gạ gẫm. Anh là chồng thì chẳng có cách nào từ chối nghĩa vụ. Nhưng anh chỉ như con rối, chẳng có cảm giác gì. Anh chỉ thăng hoa, chỉ thấy mình là “hoàng đế” khi yêu em”.
Kịch bản “cạn nhời” như vậy nhưng Lan vẫn tin. Rồi cô một mình đi phá thai trong khi người tình đưa vợ đi đẻ. Rồi cô lại tiếp tục làm “bãi đáp” tình yêu cho người đàn ông trách nhiệm, giàu tình thương kia.
Đây là kịch bản thường gặp nhất đối với những cô gái "bất ngờ" biết người tình đã có vợ con. Người đàn ông tham lam muốn cả bồ lẫn vợ rất thường có kịch bản "sống vì trách nhiệm nhưng không yêu" để gợi lòng thương cảm của chị em.
Đó là vì đa số phụ nữ đã ngã vào vòng tay ai là họ thường tin sẽ lấy người đó làm chồng. Nhưng đàn ông thì khác. Đối với đàn ông, yêu và kết hôn là hai chuyện khác nhau. Yêu tức là yêu chứ không phải là cái gì khác. Điều này khiến cho nhiều cô gái đau buồn vì với họ, tình yêu phải dẫn tới hôn nhân.
Và khi họ còn yêu, họ còn cố đeo bám vào điều đó để tin rằng, anh chàng đang nói lời yêu mình thực sự có nỗi khổ khó nói. Chị em sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chờ đợi. Tiếc rằng ngày càng nhiều trường hợp họ đã trở thành người yêu không bao giờ ... cưới!
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa/Dân Việt