Theo thông tin đăng tải, bi kịch đầu năm mới xảy ra ở huyện Hoành, Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
Cụ thể, một bé trai 7 tuổi ngày hôm đó do cảm thấy đói bụng đã liên tục giục ông nội chuẩn bị đồ ăn. Ông nội thấy cháu trai đói bụng, liền luống cuống chạy đi luộc sắn. Thế nhưng do quá vội vàng, lúc luộc sắn, ông quên bóc vỏ sắn, chỉ gột rửa lớp đất bẩn bên ngoài.
Chẳng ngờ, sau khi cháu trai 7 tuổi ăn xong món sắn luộc cả vỏ, không lâu sau liền chết thảm, khiến ông nội hối hận cả đời.
Được biết, khi phát hiện cháu trai bị ngộ độc sắn, ông nội và gia đình đã lập tức đưa cậu bé đi viện. Đáng tiếc, vì độc tính quá mạnh, khi đến bệnh viện, bé trai đã qua đời oan uổng.
|
Ảnh minh họa. |
Qua trường hợp này, phó giám đốc viện an toàn thực phẩm địa phương - bà Tưởng Ngọc Diễm cho biết: "Củ, thân và lá sắn có chứa chất Cyanophoric glycoside. Nếu thời gian nấu không đủ lâu, chất này không được phân hủy, sẽ khiến người ăn bị ngộ độc, nhẹ thì nôn mửa, đau bụng, nặng thì mất mạng. Trường hợp này, bé trai còn nhỏ, lại ăn nhiều, vì vậy không cứu nổi".
Đồng thời, các bác sĩ chỉ ra rằng, chỉ cần 150gram sắn sống cũng đủ đe dọa tình mạng một người trưởng thành. Thời gian ủ bệnh tới khi ngộ độc kéo dài từ 2 tiếng đến 12 tiếng đồng hồ.
Các triệu chứng ngộ độc sắn tươi gồm đau đầu, chóng mắt, nôn mửa, run chân tay, chân tay yếu, không vận động được, bệnh nhân cũng có thể mất ý thức, hô hấp yếu, cuối cùng có thể suy hô hấp, tim ngừng đập mà chết.
Khi gặp người bị ngộ độc sắn, hãy nhanh chóng kích thích cổ họng nạn nhân, giúp họ nôn ra càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đưa ra lời nhắc nhở mọi người, khi luộc sắn, sử dụng sắn để nấu ăn, phải nấu nướng đúng cách, đủ thời gian, tránh xảy ra bi kịch tương tự.
Kiều Dụ (Theo Sohu)