Cảm nhận khó tả
Tại khoa đẻ của Bệnh viện Phụ sản trung ương, chị Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1984, quê Hưng Yên vừa sinh một bé gái nặng 2,8 kg. Cháu bé vừa cất tiếng khóc chào đời đã được mẹ của bé ấp lên ngực.
Cảm nhận được hơi ấm của mẹ, bản năng tự nhiên đã giúp em bé nhanh chóng tìm tới bầu ti của mẹ mà không cần phải hút đờm nhãi như truyền thống. Chị Hậu nâng mình cho con ngậm ti dù chị vẫn nằm trên bàn đẻ.
Cảm giác cho con ti lần đầu tiên khi bé chào đời được vài phút, niềm vui như vỡ oà. Con gái của chị đã nhấm nháp mút được những giọt sữa non đầu tiên.
Sau đó nửa tiếng sau bé được các điều dưỡng chăm sóc, quấn tã và về phòng hậu sinh nằm với mẹ. Còn chị Hậu được đưa ra phòng hậu sinh. Chị Hậu cho biết lần trước chị sinh không như thế. Đẻ con xong, điều dưỡng giao con cho gia đình còn chị nằm ở phòng đẻ chờ vệ sinh xong mới ra phòng nghỉ. Lần này, chị được ấp con ngay khi bé cất tiếng khóc chào đời khiến chị thấy rưng rưng.
Hầu hết những bà mẹ đều cho biết cảm giác cực kỳ khó diễn tả khi con được đặt lên ngực mình. Hơi thở của con và của mẹ như chạm vào nhau. Ở giây phút đó, mọi đau đớn vừa trải qua sau đợt vượt cạn tan biến hết.
|
Phương pháp da kề da đã được nghiên cứu không chỉ tốt cho trẻ, mà còn giúp người mẹ nhanh hồi phục sau ca vượt cạn, tránh băng huyết sau sinh. |
Trong khi các bác sĩ, y tá làm các thủ tục còn lại sau khi sinh, thì con và mẹ đã được chạm vào nhau, da kề da. Đây là cách được áp dụng vài năm gần đây tại BV Phụ sản Trung ương
Sinh con được 2 giờ đồng hồ, chị Hoàng Hương trú tại Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi chị được ôm con từ khi bé chào đời đến giờ. Nhìn đôi bàn tay của bé, cái miệng móm mém tìm bầu ngực mẹ ti nhẹ nhàng chị thấy thật kỳ diệu.
Cách đây 6 năm chị sinh con đầu lòng không có biện pháp da ấp da như này nên lần sinh này chị thấy thật khác lạ. Lúc đầu, chị Hương nghĩ chỉ những đứa trẻ yếu, sinh non mới phải ấp da nên khi nhân viên y tế đặt con lên ngực, chị có thoáng lo âu, không biết con mình bị làm sao.
Cử nhân Phó Thị Quỳnh Châu - Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, từ năm 2008, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã áp dụng kỹ thuật da kề da cho trẻ sau sinh và đến năm 2014 thì kỹ thuật này được đưa lên một bước tiến mới, với các bước lần lượt từ khi bé lọt lòng như lau khô ủ ấm da kề da, tiêm bắp 10 đơn vị oxytoxin, kẹp và cắt dây rốn muộn, kéo dây rốn kiểm soát, xoa đáy tử cung 15 phút một lần trong vòng 2 giờ đầu tiên sau đẻ. Hỗ trợ cho bú mẹ sớm hoàn toàn.
* Xem thêm video: Khoảnh khắc em bé ôm chặt, hôn mẹ khi vừa chào đời:
Siêu lợi ích từ cái ôm đầu tiên
Bà mẹ nào từng sinh và áp dụng kỹ thuật này đều có cảm nhận chung đó là cảm xúc vỡ òa ngay lúc bàn tay bé bỏng của con ôm lấy mình, không chỉ đơn thuần là nghe tiếng khóc của con, được nhìn thấy con mà còn được ôm con vào lòng, bao tình cảm dạt dào được dung hòa bởi tất cả các giác quan. Em bé có thể cảm nhận được hơi ấm của qua vòng tay của mẹ.
Ngoài ra, nó còn giúp cho em bé tránh hạ thân nhiệt, suy hô hấp, trẻ nhận thêm được một lượng máu từ mẹ truyền sang, tăng thêm lượng sắt cho trẻ (~75mg Fe/kg), cung cấp sắt dự trữ trong 6-8 tháng, trẻ ít bị thiếu máu, giúp bé bú mẹ thuận lợi hơn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Theo chị Quỳnh Châu, nhờ kỹ thuật này mà bé không phải sử dụng sữa ngoài nữa. Dạ dày của các bé rất nhỏ, chỉ bằng ngón tay cái người lớn, nên khi chào đời bé chỉ cần vài giọt sữa non là đủ, không cần phải cho ăn sữa ngoài. Nhiều gia đình sợ con đói nên cho sử dụng thêm sữa ngoài, điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ vì những tháng sơ sinh chỉ cần chút sữa mẹ cũng đủ cho bé tăng trưởng.
Theo chị Châu, phương pháp da kề da đã được nghiên cứu không chỉ tốt cho trẻ mà còn giúp người mẹ nhanh hồi phục sau ca vượt cạn, tránh băng huyết sau sinh. Việc nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi hơn, không bị tắc tia sữa, tiết kiệm chi phí, kéo dài thời gian vô kinh.
Theo P.Thúy/Báo Infonet